Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử
Chủ quyền biển đảo là một bộ phận của chủ quyền lãnh thổ gắn với chủ quyền dân tộc và lợi ích quốc gia nên được các chính quyền, trong đó có chính quyền thời quân chủ Việt Nam rất quan tâm. Cuốn sách 'Chủ quyền biển đảo của Nhà nước quân chủ Việt Nam trong lịch sử (từ chúa Nguyễn thế kỷ XVI đến năm 1945)' của PGS.TS. Đỗ Bang là công trình đáp ứng yêu cầu đó.
Cuốn sách biên khảo công phu, cung cấp nhiều tư liệu, thông tin mới. Với 224 trang, được chia thành hai phần; phần thứ nhất: Chủ quyền biển đảo Việt Nam thời chúa Nguyễn và Tây Sơn; phần thứ hai: Chủ quyền biển đảo Việt Nam thời Nguyễn.
Trong phần thứ nhất, tác giả đã cung cấp về quá trình xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời các chúa Nguyễn do Nhân dân Đàng Trong thực hiện. Đây là một quá trình lâu dài, gian khổ và hiểm nguy đã được khẳng định qua các nguồn tư liệu trong và ngoài nước, là cơ sở khoa học để làm bằng chứng xác thực của công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Theo tác giả, ngay từ buổi đầu, các chúa Nguyễn đã nhận thức biển đảo có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khai thác, phát triển kinh tế biển và quốc phòng của xứ Đàng Trong. Trong quá trình mở cõi và định cõi ở phương Nam, đội Hoàng Sa ra đời từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, sau đó là đội Bắc Hải đóng vai trò quan trọng, nhất là trong việc trang bị và tự chủ đúc vũ khí, tự chủ về kinh tế, phát triển đối ngoại để tiến lên tự chủ về chủ quyền.
Qua nghiên cứu về chủ quyền biển đảo của Nhà nước quân chủ Việt Nam từ chúa Nguyễn, Tây Sơn đến triều Nguyễn cho thấy rằng: Chúa Nguyễn là chủ thể duy nhất, người lao động Việt Nam là chủ nhân chân chính và là lực lượng duy nhất thực thi nhiệm vụ khai thác và bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với hai đơn vị thực thi nhiệm vụ mang thương hiệu của Nhà nước đối với vùng biển đặc thù của Việt Nam là đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
Tác giả qua việc khảo cứu các nguồn sử liệu về chủ quyền biển đảo thời các chúa Nguyễn, bao gồm tư liệu đương đại ở trong và ngoài nước như: Lê Quý Đôn với Phủ biên tạp lục (1776); Đỗ Bá với Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1687), Thích Đại Sán với Hải ngoại kỷ sự (1695), nhiều ghi chép của các Công ty Đông Ấn Hà Lan. Tập bản đồ quốc gia Hồng Đức, bản đồ được thực hiện dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), các bản đồ của người Bồ Đào Nha, Hà Lan vẽ vào các thế kỷ XVI, XVII, XVIII; chính sử triều Lê có Đại Việt sử ký tục biên. Chính sử triều Nguyễn có Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí… Đây là nguồn tư liệu chính thống, công khai được lưu hành rộng rãi trong nhiều thế kỷ.
Ngoài ra, còn các nguồn tư liệu khi tác giả đi thực địa các vùng biển, đảo miền Trung như: Tờ đơn của Cai hợp Hà Liễu tại Cù lao Ré năm Cảnh Hưng 36 (1775) và chỉ thị ngày 14/2 - Thái Đức thứ 9 (1786) của Thái Phó Tổng lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công gửi cho Cai đội Hoàng Sa để thấy tác dụng lâu dài của đội Hoàng Sa.
Phần thứ hai, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc các nguồn sử liệu chính thống của triều đình Huế có giá trị pháp lý quốc gia và quốc tế như Châu bản, Mộc bản, Quốc đồ, Quốc sử được quốc tế thừa nhận, Việt Nam là nước duy nhất xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các nguồn sử liệu cũng không ghi lại bất cứ một cuộc tranh chấp nào với các nước trong khu vực.
Dưới triều Gia Long, nhà vua đã xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là một thực thể hiển nhiên được quốc tế thừa nhận. Chủ quyền Nhà nước Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ XIX được vua Minh Mệnh đưa lên hàng quốc sách và được các vua Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục thực hiện trên các phương diện quản lý, khai thác kinh tế, văn hóa, giáo dục trở thành giá trị truyền thống, một minh chứng lịch sử và cơ sở pháp lý mang tính quốc tế trong cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo.
Cuốn sách là tài liệu cần thiết cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các tầng lớp nhân dân tìm hiểu về quá trình xác lập chủ quyền trên vùng biển đảo của Việt Nam.