Chủ quyền quốc gia, lãnh thổ - những giá trị thiêng liêng

Ngày 15-6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề 'Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam'.

Hội nghị có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước với 150 tham luận.

Trong phát biểu đề dẫn, PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, chủ quyền quốc gia, lãnh thổ là những giá trị thiêng liêng của mọi đất nước, mọi cộng đồng dân tộc trong các thời đại kể từ khi Nhà nước xuất hiện. Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia lãnh thổ đã là niềm khao khát và là mục tiêu có sức động viên mạnh mẽ sự đoàn kết toàn dân tộc để đạt được những mục tiêu cao cả ấy.

 Hội nghị do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp Trường KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TPHCM; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức

Hội nghị do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp Trường KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TPHCM; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức

Theo PGS-TS Trần Đức Cường, trong vài thập kỷ gần đây, trước sự phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thể hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

Chúng ta khẳng định chủ trương đúng đắn của Việt Nam là hết sức coi trọng việc giữ gìn hòa bình, ổn định đất nước và khu vực, kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các bất đồng giữa các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta khẳng định chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ đối với quốc gia, là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời, là điều từng được khẳng định trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, được thông qua vào năm 1946, được phát triển trong Hiến pháp năm 2013.

Cùng với giới nghiên cứu khoa học xã hội trong cả nước, các nhà sử học đã luôn quán triệt nhiệm vụ chuyên môn của mình là góp phần nghiên cứu, làm sáng rõ các vấn đề cơ bản về Lịch sử Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích, những di sản lịch sử cần kế thừa góp phần vào hoạch định các chính sách phát triển của đất nước trong hiện tại và xây dựng các dự án tương lai…

Hội nghị chủ yếu nhằm tổng kết những thành tựu của giới sử học cả nước trong việc nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ. Qua đó phân tích, đánh giá, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước, chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân, trước hết là thế hệ trẻ cơ sở khoa học lịch sử, kết hợp cơ sở pháp lý và chủ quyền trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn đất nước.

Tại hội nghị, các tham luận tập trung 3 chủ đề: Một số vấn đề chung về chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền; Biển Đông - Không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam; Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hội nghị là diễn đàn trao đổi học thuật cho các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử và một số lĩnh vực khác như pháp luật, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua; trao đổi về các tư liệu đã sưu tầm được trong nước và một số nước trên thế giới; trao đổi về cách tiếp cận và đi sâu phân tích các luận điểm nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước...

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chu-quyen-quoc-gia-lanh-tho-nhung-gia-tri-thieng-lieng-post744743.html