Chủ tịch Đà Nẵng giải thích việc thu phí cách ly người về từ vùng dịch
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam nên TP Đà Nẵng sử dụng 3 khách sạn để cách ly các trường hợp đến, về Đà Nẵng từ địa phương có dịch.
Ba khách sạn được chọn, gồm: Khách sạn Seven Sea, số 150 Võ Nguyên Giáp (4 sao) có 137 phòng (274 giường), với giá 1,3 triệu đồng/khách/ngày (phòng đơn) và 1,7 triệu đồng/2 khách/ngày (phòng đôi).
Khách sạn Parze Ocean, số 13 Dương Đình Nghệ (3 sao) có 90 phòng (180 giường) với giá 1,3 triệu đồng/phòng/ngày (1-2 khách/phòng).
Khách sạn Minh Toàn Athena, số 162 đường 2 Tháng 9 (3 sao) có 60 phòng (97 giường), với giá 1 triệu đồng/khách/ngày loại phòng đơn và 1,2 triệu đồng/2 khách/ngày/phòng đôi.
Sau khi ngành du lịch công bố thông tin trên, nhiều người cho rằng mức giá lưu trú quá lớn, gây áp lực về tài chính đối với người cách ly.
Ngày 9/7, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giải thích hiện các khu cách ly tập trung trên địa bàn đang quá tải. Lực lượng công an, y tế đang được huy động để đảm bảo chốt trực 24/24h kiểm soát người ra vào tại 30 chốt. Đồng thời phải triển khai các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên nên không đủ lực lượng để bố trí dàn trải tại nhiều cơ sở cách ly khác nhau.
Trong khi đó, theo khảo sát của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, toàn thành phố chỉ còn 150 cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, bao gồm một số khách sạn nhỏ và nhà nghỉ đang phục vụ cách ly, thuê dài hạn và thuê theo giờ.
Lý giải về việc bố trí cách ly người về từ vùng dịch ở các khách sạn 3 sao trở lên, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay các khách sạn nhỏ hiện không đảm bảo các điều kiện phục vụ cách ly phòng, chống dịch.
Cụ thể những khách sạn này không có hệ thống camera giám sát, không có nhân viên phục vụ, không có bếp ăn và chưa được tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch trong phục vụ cách ly tập trung theo quy định.
Về giá phòng phục vụ cách ly, người đứng đầu Sở Du lịch cho biết mức giá trên đã bao gồm: Lưu trú, ăn uống 3 bữa, phí đón sân bay, giặt, thuế, nhân viên phục vụ.
Bên cạnh đó, các khách sạn phục vụ cách ly phải chịu trả lương nhân viên cao hơn bình thường 3-5 lần do phải phục vụ 21 ngày không về nhà và nguy cơ bị lây nhiễm.
Ngoài ra, chi phí xử lý rác thải tại các khách sạn này được tính bằng kg và có giá rất cao do được xem là rác y tế. Bên cạnh đó, các chi phí khác như chi phí thuê xe vận chuyển đón khách như xe phục vụ cách ly, chi phí khử khuẩn hàng ngày, chi phí trang bị bảo hộ y tế cho đội ngũ phục vụ, chi phí điện nước…
"Chính vì vậy, các khách sạn trên đã báo cáo với Sở Du lịch rằng mức giá đã đưa ra là phù hợp", bà Hạnh nhận định.
Ông Chinh cho biết thêm nếu người dân trở về từ vùng dịch không muốn ở khách sạn cách ly thì có thể chọn đến khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, thành phố vẫn đang tìm kiếm thêm các khách sạn có giá phòng hợp lý hơn để phục vụ công tác cách ly.
Đại diện các khách sạn cũng cho biết do lượng khách khách ly đặt dịch vụ riêng lẻ, không đủ chi phí vận hành các khâu dịch vụ. Đối với khách đoàn thì khách sạn có thể giảm giá.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, đối tượng phục vụ cách ly lần này không phải là đối tượng giải cứu nên sở không thể vận động giảm giá. Đối với trường hợp đặc biệt thì sở này sẽ đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng xem xét đưa về khu cách ly tập trung.
Trước mắt TP Đà Nẵng thực hiện áp dụng biện pháp bắt buộc cách ly y tế tập trung 21 ngày đối với tất cả trường hợp người đến, về từ địa phương có dịch.