Chủ tịch doanh nghiệp nhà nước có thể nhận lương tối đa 320 triệu đồng/tháng
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định chế độ tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với người đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện phần vốn nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước.
Theo nội dung dự thảo, các đối tượng áp dụng bao gồm: người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, trong đó Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Các cá nhân này, nếu làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, sẽ được nhận lương và thưởng do doanh nghiệp chi trả. Trường hợp không làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp sẽ nhận lương và thưởng từ cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong khi thù lao vẫn do doanh nghiệp chi trả.
Tiền lương, thù lao của các chức danh trên sẽ được tính trong quỹ lương của doanh nghiệp, có tính đến yếu tố khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Điều này nhằm đảm bảo việc trả lương và thù lao thực sự gắn liền với kết quả sản xuất - kinh doanh, tránh tình trạng thu nhập không phản ánh hiệu quả hoạt động.

Dự thảo quy định cụ thể các mức lương theo từng khung lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận như đã được phê duyệt, Chủ tịch có thể được hưởng mức lương tối đa tương đương 2 lần mức lương cơ bản, tức khoảng 160 triệu đồng/tháng.
Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có hiệu quả hoạt động vượt trội và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế như lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, dầu khí…, mức lương có thể được nâng cao hơn nữa.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp đạt lợi nhuận gấp đôi mức tối thiểu theo quy định (tương đương 11.000 tỷ đồng), mức lương tối đa có thể đạt 200 triệu đồng/tháng, tương đương 2,5 lần mức lương cơ bản.
Khi lợi nhuận đạt gấp ba lần (16.500 tỷ đồng), mức lương tối đa có thể tăng lên 240 triệu đồng/tháng. Và với các doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận gấp năm lần mức tối thiểu (27.500 tỷ đồng), mức lương tối đa mà Chủ tịch có thể nhận được là 320 triệu đồng/tháng, tương đương 4 lần mức lương cơ bản.
Theo Bộ Nội vụ, cơ sở của việc đề xuất mức trần 320 triệu đồng/tháng là phù hợp với thực tế hiện nay, khi một số doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đã chi trả lương cho Chủ tịch hội đồng quản trị ở mức 200 - 210 triệu đồng/tháng.
Thậm chí, có doanh nghiệp ghi nhận lương trung bình của thành viên hội đồng và kiểm soát viên lên tới 213 triệu đồng/tháng, trong đó Chủ tịch hưởng 300 triệu đồng/tháng.
Trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ hoặc không có lợi nhuận, mức lương tối đa được giới hạn trong khoảng từ 50% đến 80% mức lương cơ bản.
Với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc mới đi vào hoạt động, trong năm đầu tiên, mức lương không vượt quá mức lương cơ bản.
Trường hợp doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các đơn vị cũ, nếu mức lương dự kiến thấp hơn mức lương thực tế cao nhất của các chức danh tương ứng trước đó, thì có thể áp dụng mức lương cũ để đảm bảo tính liên tục và động lực làm việc.
Đối với doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, việc xác định mức lương sẽ dựa trên chỉ tiêu khối lượng sản phẩm, dịch vụ công thực hiện được, thay vì căn cứ vào lợi nhuận như các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.
Về chế độ thù lao, dự thảo tiếp tục quy định mức thù lao tối đa đối với thành viên hội đồng quản trị và kiểm soát viên không chuyên trách là 20% của mức lương tương ứng với chức danh có trách nhiệm tương tự.
Quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng và hợp lý trong cơ chế thù lao, đồng thời khuyến khích sự tham gia hiệu quả của các cá nhân không chuyên trách trong công tác điều hành, giám sát doanh nghiệp nhà nước.
Theo kế hoạch, Nghị định mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2025, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc xây dựng cơ chế tiền lương linh hoạt, công bằng và phù hợp với thực tiễn vận hành doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới.