Chủ tịch Đường sắt: Sẽ có đoàn tàu hạng sang, thuê chuyến đi du lịch
Song song quá trình tái cơ cấu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tận dụng các thế mạnh về du lịch trải nghiệm trên tàu để gia tăng thị phần hành khách đi tàu hỏa.
Trong thời gian vừa qua, ngành Đường sắt đã có những bước lột xác về hình hài, thay đổi mạnh mẽ tư duy để hướng tới kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có trao đổi với ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xung quanh vấn đề này.
"Biến" tự ti thành tự tin
- Ngành Đường sắt được Thủ tướng Chính phủ đánh giá có đổi thay rất lớn về tư duy và kết quả sản xuất kinh doanh trong năm vừa qua cũng như đã tìm được lối đi đúng đắn. Với tư cách là người đứng đầu, ông có thể cho biết những đổi thay đó là gì?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Một trong những kết quả bước đầu được ghi nhận về thay đổi VNR trong thời gian là thay đổi tư duy. Tư duy ở đây là tự tin chứ không được tự ti vì trước đây đường sắt trải qua thời gian vất vả nên thấy khó, khổ.
Sau khi nhìn nhận lại mọi vấn đề, chúng tôi đã cố gắng tự thay đổi chính mình, không thể kêu khó, kêu khổ mãi được mà phải tự nghĩ ra giải pháp, cách thức để tự vượt qua hoặc đề xuất trúng, đúng với các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, ngành Đường sắt cũng thay đổi tư duy trong chiến lược kế hoạch kinh doanh, trong đó việc đầu tiên là làm thật tốt, khai thác hiệu quả mình đang có, không tư duy nếu-thì mà chủ động đưa ra giải pháp phù hợp phát huy những gì mình có trong tay.
Một thay đổi nữa đó là cần có tư duy doanh nghiệp, không thể nghĩ người ta đến với mình, cần có sự vận động để thay đổi theo được thời cuộc, với hoàn cảnh với điều kiện hiện nay.
Tổng công ty cũng phải nhìn lại chính mình với những tiềm lực đang có để làm làm hình mẫu, một số dự án như đoàn tàu chất lượng cao SE19/20; tàu du lịch Huế-Đà Nẵng, Đà Lạt-Trại Mát; khu Hỏa xa Long Biên và Hải Dương; ga hàng hóa liên vận Kép. VNR làm tốt thì địa phương, người dân, xã hội nhìn thấy và người nhà mình thấy để lan tỏa những ưu điểm ra.
- Có một thực tế là hạ tầng đường sắt đã cũ kỹ lạc hậu và đây chính là rào cản ảnh hưởng tới nỗ lực đổi mới ngành đường sắt. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Đường sắt vẫn còn có các điểm nghẽn bởi có đặc thù đồng bộ và xuất phát từ hạ tầng khổ 1m, đường đơn, lạc hậu cũ kỹ, trong khi chưa duy tu bảo trì theo đúng định mức dẫn đến nhiều kết cấu hạ tầng quá tuổi thọ, gây ra điểm xung yếu và mất an toàn.
Vận tải bắt đầu từ các khu ga nhưng chính nơi này lại là điểm nghẽn của vận tải khi không có kết nối đưa hàng hóa hoạt động, không có kho lưu giữ, bãi xếp dỡ hàng hóa nên khó thu hút khách đến.
Thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn nhưng nguồn lực thì không thể tập trung làm một lúc nên VNR đã đề xuất ưu tiên làm những điểm xung yếu, mất an toàn; những điểm nghẽn phục vụ vận tải khu ga, đường kết nối, khu công nghiệp, cảng biển và xây dựng lộ trình ưu tiên đầu tư khai thác phát huy hiệu quả, là tiền đề VNR gia tăng kết quả sản xuất kinh doanh.
Đưa đường sắt thành “hành trình làm việc”
- Một số khu ga đường sắt được cải tạo nâng cấp với phòng chờ, không gian xung quanh thân thiện môi trường và có thêm điểm kinh doanh “Hỏa xa café” đã thu hút đông khách đến trải nghiệm và check-in. Liệu đây có là hướng đi mới để gia tăng doanh thu, thưa ông?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Khu ga hiện nay đang đề xuất khai thác tài sản và được bộ, ngành ghi nhận xem xét để triển khai công tác giao tài sản. VNR chủ động làm thật tốt những gì đang có, nhìn lại nhược điểm của đường sắt nhưng ở góc độ khác đó chính là ưu điểm nhờ vào việc thay đổi tư duy.
Đơn cử như đường ray khổ 1m từ hàng trăm năm, công nghệ chạy tàu bằng diezel so với các nước là lạc hậu nhưng có thể nhiều người lại thích trải nghiệm khung cảnh vùng miền và làm việc, sống chậm lại, du lịch trên tàu... Năm 2023, Đường sắt Việt Nam đã được giới thiệu trong cuốn "Amazing Train Journeys" của Lonely Planet - ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Bắc-Nam của Việt Nam được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Tổng công ty đang tích cực phối hợp với các đơn vị du lịch để cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này.
- VNR đã cùng các đối tác đang bắt tay nghiên cứu chạy tàu hạng sang trên đường sắt Việt Nam hay xúc tiến hợp tác triển khai Dự án tàu hỏa 5 sao Xuyên Việt để phát triển du lịch, khai thác thương mại. Vậy, các kế hoạch này đến nay đã được triển khai đến đâu và dự tính khi nào sẽ trở thành hiện thực?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Chúng tôi đang tập trung làm khẩn trương cho các ý tưởng dự định này với khá nhiều đối tác lớn, để đưa các khu ga thành những bảo tàng sống, trung tâm di sản, văn hóa, ẩm thực.
Đoàn tàu 5 sao giống như một khách sạn hạng sang di động là ý tưởng của VNR và chính là biến những nhược điểm thành ưu điểm khi du lịch tàu hỏa đang có xu hướng bùng nổ trong năm nay. Hàng trình càng chậm càng tốt, chở càng ít người càng tốt, dừng nhiều ga vì do khách đặt hàng (đoàn tàu thuê charter). Trên cơ sở hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước và đối tác và qua theo dõi nghiên cứu, đây là một phân khúc để khai thác tốt vì người có điều kiện về thời gian, kinh phí, muốn trải nghiệm dịch vụ độc lạ như đám cưới trên toa tàu đường sắt, thuê 1 đoàn tàu riêng cho nhóm bạn bè gia đình đi vui chơi...
VNR sẵn sàng thiết kế tour chương trình đáp ứng nhu cầu mà khách hàng cần đến mà không phải chạy theo tuyến cố định, đi kèm với các dịch vụ như hội họa, bảo tàng, ẩm thực,...
Hiện, VNR đang thử nghiệm đưa wifi lên tàu, hướng tới những hệ sinh thái riêng của đường sắt từ giải trí, thông tin, công nghệ... để biến đường sắt thành “hành trình làm việc.”
Kỳ vọng “đổi đời” nhờ đường sắt tốc độ cao
- Quá trình tái cơ cấu VNR hiện đang được triển khai ra sao? Sau khi tái cơ cấu xong, VNR sẽ có những sự thay đổi ra sao về kết quả sản xuất kinh doanh, mô hình hoạt động?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: VNR đang thực hiện quá trình tái cơ cấu trong đó nhiệm vụ chính là sắp xếp lại bộ máy (đưa 5 chi nhánh đầu máy xuống 3 phát huy hiệu quả vận dụng đầu máy và năng suất lao động tốt hơn; nhập 3 ban quản lý dự án thành một ban, tiết kiệm được chi; hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn); thoái vốn công ty liên kết, thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển đường sắt.
Trải qua 3 năm COVID-19, tình hình của VNR hiện giờ cũng đã có tín hiệu khả quan hơn và trong năm 2023 có lãi nhưng khiêm tốn và đó là dấu mốc, bộ mặt hình ảnh đường sắt cũng đã khác so với trước đây.
Các chiến lược, mục tiêu kinh doanh 2023-2025 VNR đã xây dựng thì sẽ cố gắng nỗ lực thực hiện một cách tốt nhất.
- Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đang được đẩy nhanh tiến độ để triển khai, ông kỳ vọng như thế nào về siêu dự án này?
Ông Đặng Sỹ Mạnh: Đường sắt tốc độ cao chính là “đổi đời” với ngành đường sắt. Hiện, chi phí logisitics nước ta đang cao so với mặt bằng thế giới vì thiếu vận tải đường sắt. Các nước phát triển đều chú trọng đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao đem lại nhiều hiệu quả về văn hóa, xã hội, kinh tế.
Đường sắt tốc độ cao có càng sớm càng tốt nhưng cũng cần duy trì cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu để phát huy vai trò vận tải hàng hóa bởi đa phần các nước đều giữ lại.
Ngành Đường sắt đã đề xuất với Chính phủ và đã có chủ trương dự kiến giao cho đường sắt thực hiện tốt công tác chuẩn bị, để thực hiện quản lý vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao.
VNR lập đề án đào tạo nguồn nhân lực để chuyển giao công nghệ, cơ khí công nghiệp, hợp tác với các đối tác đào tạo, chia sẻ gửi nhân lực đi đào tạo, nòng cốt là các kỹ sư lao động trong ngành đường sắt.
- Xin cảm ơn ông./.