Chủ tịch ECB cảnh báo về 'hậu quả nghiêm trọng' của thuế quan Trump
'Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giá cả trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ', bà Lagarde phát biểu...

Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Reuters.
Một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện do các kế hoạch leo thang thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ giáng một đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế và lạm phát toàn cầu - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin BBC.
Nhà hoạch định chính sách tiền tệ cấp cao nhất của khối eurozone cảnh báo rằng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu có thể gây ra “những hậu quả nghiêm trọng”, nhất là về giá cả và ổn định kinh tế. Bà nói rằng các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ gây tổn thương cho tất cả các bên liên quan.
Mỹ là một thị trường chủ lực của các nhà sản xuất rượu châu Âu, chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu đồ uống, rượu mạnh và các sản phẩm dấm của châu Âu trong năm 2024 - theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).
“Nếu một cuộc chiến thương mại thực sự xảy ra khiến thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giá cả trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ”, bà Lagarde phát biểu.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Newstalk của Ireland ngày 2/4, bà Lagarde một lần nữa nhận định rằng thuế quan đối ứng của ông Trump sẽ gây hậu quả tiêu cực trên toàn thế giới, và mức độ sẽ tùy thuộc vào việc thuế quan này duy trì trong bao lâu và có dẫn tới các cuộc đàm phán thương mại thành công hay không.
Những đánh giá này được Chủ tịch ECB đưa ra trước khi ông Trump có động thái leo thang thuế quan mới nhất vào ngày 2/4, khi ông áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với thuế suất cơ sở là 10%. Trước đó, trong nhiệm kỳ thứ hai này, ông Trump đã áp thuế quan bổ sung 20% lên Trung Quốc, thuế quan 25% lên Canada và Mexico, 25% lên toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu, và 25% lên ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu.
Bà Lagarde cho rằng các kế hoạch thuế quan của ông Trump đã bắt đầu gây suy giảm hoạt động kinh doanh do làm gia tăng sự bấp bênh đối với cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư.
“Một bên khởi xướng thuế quan, bên kia trả đũa, rồi bên khởi xướng lại đáp trả, cứ như vậy… tất cả những điều này sẽ gây tổn hại cho tăng trưởng trên quy mô lớn. Ai cũng phải chịu trận, điều này đã được minh chứng trong lịch sử thương mại”,
Bà Lagarde bảo vệ lập trường của Liên minh châu Âu (EU), khẳng định rằng Brussels “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc phải đáp trả thuế quan Mỹ. Dù vậy, bà vẫn kêu gọi đối thoại và nói rằng khoảng thời gian từ khi thuế quan được công bố cho tới khi được thực thi chính là cơ hội để đàm phán.
Bà cũng bác bỏ tuyên bố của ông Trump rằng EU “được lập nên để lợi dụng” Mỹ. “EU được thành lập với sự khích lệ của Mỹ, quốc gia muốn châu Âu ổn định sau hai cuộc chiến tranh thế giới”, bà nói. “Lập luận rằng EU được lập nên để lợi dụng Mỹ không chỉ là một phát biểu xấu, mà còn là một sự bóp méo lịch sử”.
Dù căng thẳng thương mại là mối lo lớn nhất trước mắt, bà Lagarde vẫn tập trung vào cuộc chiến chống lạm phát - một nhiệm vụ dài hạn của ECB. Phát biểu tại Viện Ổn định tiền tệ và tài chính (MFSF) ở Frankfurt vào đầu tuần này, bà cảnh báo lạm phát đang trở nên khó lường hơn do những biến động trong dòng chảy thương mại toàn cầu, chi tiêu quân sự tăng, và những gián đoạn liên quan tới thời tiết.
“Duy trì ổn định trong một kỷ nguyên mới là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Việc này đòi hỏi sự cam kết tuyệt đối dành cho mục tiêu lạm phát của chúng ta, khả năng nhận diện được những dạng cú sốc nào đòi hỏi phải có hành động chính sách tiền tệ, và sự linh hoạt để ứng phó phù hợp”, bà Lagarde nói.
Bà cũng nhấn mạnh về ảnh hưởng có độ trễ của các cú sốc lạm phát, nhấn mạnh rằng áp lực giá cả sẽ không được giải tỏa ngay lập tức. Chẳng hạn, lạm phát giá năng lượng đạt đỉnh vào tháng 10/2022, nhưng lạm phát giá dịch vụ phải đến tháng 7/2023 mới đạt đỉnh, đồng nghĩa độ trễ 9 tháng tiếp tục ảnh hưởng tới tiền lương. Độ trễ này khiến ECB gặp khó khăn trong việc đưa lạm phát về mục tiêu 2% theo một lộ trình có thể đoán định.
Với việc lạm phát hạ nhiệt, giới chức ECB đang sẵn sàng cho việc tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại của khu vực đồng euro. Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% trong nửa đầu năm 2025, tạo dư địa cho việc nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, bà Lagarde cảnh báo rằng những cú sốc mới - có thể từ xung đột thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng hay biến động giá năng lượng - đều có khả năng nhanh chóng thay đổi quỹ đạo này. “Sự giảm lạm phát gần đây là một thành quả với phí tổn tương đối thấp so với các giai đoạn tương tự trong quá khứ”, bà nói đồng thời cho rằng kỳ vọng lạm phát được neo giữ chặt chẽ là một nhân tố giúp ổn định giá cả.
Dù vậy, bà Lagarde cảnh báo rằng các cú sốc trong tương lai phải được đánh giá cẩn thận, vì mỗi cú sốc thể đòi hỏi một cách phản ứng chính sách khác nhau.
Trong bối cảnh sự bất ổn kinh tế gia tăng, bà Lagarde nhấn mạnh ECB phải dịch chuyển khỏi cách định hướng cứng nhắc về chính sách tiền tệ - một cách thiết lập kỳ vọng trong nền kinh tế về các quyết định lãi suất của ECB trong tương lai. Thay vào đó, bà cho rằng ECB cần tập trung vào việc giải thích chức năng phản ứng của mình. “Công chúng phải hiểu được sự phân bố các kết quả có thể xảy ra trong tương lai và cách thức mà ngân hàng trung ương phản ứng khi đủ tự tin về kịch bản kinh tế đang diễn ra”, bà cho biết.
Do vậy, thay vì đặt ra một lộ trình lãi suất cụ thể, ECB sẽ tập trung vào các chỉ số kinh tế quan trọng, chẳng hạn như xu hướng lạm phát cơ bản, tăng trưởng tiền lương và truyền dẫn chính sách tiền tệ, để định hướng cho các quyết định chính sách.