Chủ tịch EVN: Hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho rằng hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua.
Sáng 14/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, chuyên gia, nhà khoa học.
Tại dự thảo Nghị định cơ chế DPPA, Bộ Công Thương đang xây dựng mô hình theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.
Dự thảo quy định bên mua trong cả hai trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nghị định cần làm rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia mua bán điện trực tiếp về lợi ích kinh tế, bảo đảm an toàn lưới điện; chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh;…
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự thảo Nghị định quy định mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện, trách nhiệm các đơn vị có liên quan… Quan điểm xây dựng nghị định là bảo đảm khả thi, thực hiện được ngay, hạn chế văn bản hướng dẫn.
Theo đó, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Việc mua bán điện trong trường hợp này được thực hiện đơn giản, giá điện được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Hiện hình thức mua bán điện trực tiếp này đã và đang được triển khai tại các khu công nghiệp.
Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho các khách hàng ở xa nguồn phát thực hiện mua điện qua thị trường điện giao ngay. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ (bao gồm: Giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và các chi phí thanh toán khác.
Đơn vị phát điện phải là năng lượng tái tạo mới được phép bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ chế DPPA sẽ đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Các ý kiến tại cuộc họp tiếp tục làm rõ quy định chi tiết đối với tiêu chí xác định phạm vi, đối tượng tham gia cơ chế DPPA theo công suất phát, sản lượng tiêu thụ, điện áp truyền tải; làm rõ nội hàm, định nghĩa các khái niệm, như khách hàng lớn, mua bán trực tiếp; mối quan hệ giữa các đơn vị phát điện, khách hàng tiêu thụ với EVN; trình tự, thủ tục xác định mức độ tiêu thụ và cấp tín chỉ xanh đối với doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo…
Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An cho rằng hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Các bên tham gia sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho EVN trong bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành, truyền tải…
Ông Chu Văn Tiến, Trưởng Ban Tư vấn kỹ thuật (Hội Điện lực Việt Nam) kiến nghị quản lý chặt chẽ phương thức mua bán điện trực tiếp bằng đường dây riêng, tránh tình trạng phát triển tràn lan, chiếm dụng đất đai, phá vỡ quy hoạch.
Đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn Nghị định sớm được ban hành, với những cơ chế, chính sách được cụ thể hóa trong nghị định cần kết nối với Quy hoạch Điện 8 về phát triển năng lượng tái tạo; bỏ giới hạn tiêu thụ điện đối với khách hàng mua điện trực tiếp truyền tải bằng đường dây riêng; làm rõ các chi phí mua bán điện trực tiếp truyền tải qua lưới điện quốc gia…
Kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện có thể mở theo hướng không giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào quy hoạch. Các dự án này sẽ chỉ cần tuân theo các quy định pháp luật về thuế, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn xây dựng.
Còn với mua bán trực tiếp sử dụng lưới quốc gia phải được tính đúng, tính đủ các chi phí sử dụng hạ tầng vận hành, truyền tải, bảo đảm an toàn hệ thống, phù hợp với các quy hoạch điện lực.
Phó Thủ tướng yêu cầu Nghị định về DPPA cần làm rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp; quyền, trách nhiệm các bên tham gia về lợi ích kinh tế, bảo đảm an toàn lưới điện. Các chính sách cần theo hướng ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, tái tạo để nhận được tín chỉ xanh.
Bộ Công Thương, EVN được yêu cầu tính toán, công bố công suất điện tái tạo có thể huy động, truyền tải trên công suất nguồn điện nền, làm căn cứ để điều chỉnh giảm các nguồn điện than, khí trong quy hoạch.
"Quy hoạch điện VIII không giới hạn năng lượng tái tạo khi đáp ứng được tiêu chí thay thế cho nguồn năng lượng khác, giá thành phù hợp", Phó Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, Nghị định cần có quy trình công khai về hiện trạng các nguồn điện mà doanh nghiệp đang sử dụng để cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện cung cấp tín chỉ xanh.
Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.
Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.