Chủ tịch Hạ viện Pháp tái đắc cử

Các nghị sĩ khóa mới của Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ chính trị gia trung dung Yeael Braun-Pivet, một đồng minh trung thành của Tổng thống Emmanuel Macron, nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Chủ tịch Hạ viện.

Cuộc bỏ phiếu 3 vòng

Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, cuộc bỏ phiếu đã phải tiến hành đến vòng thứ ba, một điều vô cùng hy hữu trong nền Cộng hòa Đệ ngũ của Pháp. Theo quy định, trong hai vòng bỏ phiếu đầu tiên, để giành chiến thắng, một ứng cử viên phải bảo đảm nhận được đa số tuyệt đối (50% cộng 1 phiếu). Tuy nhiên, ở vòng thứ ba, ứng cử viên chỉ cần giành được đa số tương đối (nghĩa là ứng cử viên nào nhiều phiếu hơn thì giành chiến thắng). Trong trường hợp tại vòng thứ ba, nếu tất cả các ứng cử viên bằng phiếu nhau, người nào cao tuổi nhất sẽ giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Bà Yeael Braun-Pivet tái đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện Pháp. Ảnh: AFP

Bà Yeael Braun-Pivet tái đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện Pháp. Ảnh: AFP

Các chính trị gia từ ba khối chính và các đảng nhỏ hơn đã cạnh tranh cho vị trí Chủ tịch Hạ viện, với mỗi phe đều hy vọng sẽ tác động đến đề cử thủ tướng tương lai. Có 6 ứng cử viên tham gia cuộc đua.

Tại vòng thứ ba của cuộc bỏ phiếu ngày 18.7, ngày bắt đầu phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, bà Braun-Pivet đã giành được 220 phiếu bầu cho vị trí Chủ tịch Hạ viện, trong khi đối thủ chính của bà cho vị trí này, nhà sáng lập đảng Cộng sản Pháp, chính trị gia kỳ cựu Andre Chassaigne, nhận được 207 phiếu bầu, trong một cuộc đua sát nút.

Bà Yaël Braun-Pivet, 53 tuổi, là chủ tịch Hạ viện kể từ năm 2022. Bà nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh trung dung của ông Macron cùng một số nhà lập pháp bảo thủ muốn ngăn cản ứng cử viên cánh tả giành được vị trí này.

Bà Braun-Pivet là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Chủ tịch Hạ viện Pháp. Trước đó, nữ chính trị gia từng giữ chức Bộ trưởng Lãnh thổ hải ngoại dưới thời Thủ tướng Élisabeth Borne trong hai tháng hồi năm 2022 và là thành viên Quốc hội kể từ năm 2017.

Hạ viện, vốn là cơ quan lập pháp có ảnh hưởng lớn của Pháp, đã triệu tập cuộc họp đầu tiên vào ngày 18.7 sau cuộc bầu cử gay cấn hồi đầu tháng, trong đó liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) bất ngờ đứng đầu, vượt lên cả phe trung dung của ông Macron và phe cực hữu của bà Marine Le Pen.

Ba khối chính trị lớn trên chi phối Hạ viện Pháp, nhưng không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối. Việc phân rẽ này gây ra hậu quả là cho đến nay, nước Pháp vẫn chưa thể lựa chọn ra thủ tướng mới, trong khi lãnh đạo chính phủ đương nhiệm Gabriel Attal đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Macron và được ông chấp nhận.

Phát biểu sau khi tái đắc cử, bà Yaël Braun-Pivet kêu gọi các nghị sĩ sớm vượt qua các bất đồng, nói rõ: “Quốc hội Pháp hiện nay mang tính đại diện nhất trong lịch sử nhưng cũng bị chia rẽ nhất từ trước đến nay. Trọng trách to lớn của Quốc hội buộc chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải thống nhất, hợp tác và nỗ lực để đạt thỏa hiệp”.

Tuy nhiên, nhà phân tích nhận định, chiến thắng của bà Yaël Braun-Pivet không thực sự thuyết phục, khi chỉ hơn người đứng sau chỉ 13 phiếu và kém xa số phiếu quá bán là 289 phiếu.

Liên minh cánh tả NFP, lực lượng chính trị lớn nhất tại Quốc hội Pháp hiện nay cho rằng, Tổng thống Macron đang đi ngược lại ý nguyện của người dân Pháp, khi lợi dụng sự thiếu rõ ràng của Điều 23 trong Hiến pháp, thông qua việc chưa chỉ định thủ tướng mới và giữ lại 17 thành viên chính phủ đã từ nhiệm, cho phép họ tham gia bỏ phiếu để giúp bà Yaël Braun-Pivet tái cử.

Khoảng trống quyền lực và chia rẽ

Phiên họp của Quốc hội diễn ra sau khi Tổng thống Macron chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal cùng với các bộ trưởng khác vào ngày 16.7. Họ được yêu cầu tiếp tục giữ chức vụ tạm quyền cho đến khi chính phủ mới được bổ nhiệm, vì Pháp đang chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Paris vào cuối tháng này.

Từ Woodstock, Anh, nơi ông đang tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu, Macron từ chối bình luận về tình hình chính trị của Pháp và không nêu rõ khi nào sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới. "Tôi sẽ không trả lời câu hỏi đó", ông nói.

Trong khi đó, các thành viên của Mặt trận bình dân mới, giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện, đã thúc giục Tổng thống để họ thành lập chính phủ mới. Vấn đề ở chỗ, bản thân các đảng chính của Liên minh này cũng vẫn đang bất đồng về ứng cử viên thủ tướng của họ. Sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng, họ đã nhất trí ứng cử chung cho vị trí chủ tịch và chọn André Chassaigne, 74 tuổi, một nhân vật nổi bật trong Đảng Cộng sản được biết đến với hoạt động rộng rãi trong Quốc hội.

Chủ tịch nhóm nghị sĩ của đảng “Nước Pháp bất khuất” lớn nhất trong liên minh cánh tả tại Quốc hội, bà Mathilde Panot tiếp tục kêu gọi Tổng thống Pháp Macron trao quyền cho cánh tả thành lập chính phủ mới. “Chúng tôi là lực lượng chính trị lớn nhất tại Quốc hội. Chúng tôi yêu cầu Tổng thống Macron chấm dứt việc phủ nhận dân chủ, bổ nhiệm Thủ tướng hoặc một nữ Thủ tướng của liên minh Mặt trận bình dân mới. Người dân Pháp mong muốn chấm dứt chính phủ cũ, nhưng điều này vẫn chưa diễn ra”, bà Mathilde Panot lên tiếng.

Các công đoàn và nhà hoạt động cánh tả đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp cả nước vào 18.7 để gây sức ép buộc Tổng thống Macron phải chọn một thủ tướng từ Mặt trận bình dân mới.

Ông Macron hoàn toàn có thể phớt lờ những sức ép này bởi Hiến pháp không quy định mốc thời gian cụ thể cho việc tổng thống phải bổ nhiệm thủ tướng mới.

Quỳnh Vũ (Theo Reuters, Euro News)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/chu-tich-ha-vien-phap-tai-dac-cu-i381459/