Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng: Trung tâm công nghiệp năng lượng sinh thái là động lực sống còn của Petrovietnam

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm công nghiệp năng lượng sinh thái là nhiệm vụ chiến lược, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển dài hạn của Tập đoàn, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn chuyển dịch năng lượng và tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau có nhiều lợi thế để Petrovietnam phát triển mô hình Trung tâm công nghiệp năng lượng sinh thái

Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau có nhiều lợi thế để Petrovietnam phát triển mô hình Trung tâm công nghiệp năng lượng sinh thái

Tích hợp ba cấu phần cốt lõi với bản sắc riêng, tối ưu lợi thế địa phương

Hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược tại Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, Petrovietnam đang tích cực nghiên cứu, xây dựng đề xuất mô hình Trung tâm công nghiệp năng lượng sinh thái (TT CNNL), do Tập đoàn là nòng cốt dẫn dắt.

Trên cơ sở các nguồn lực hiện hữu và định hướng phát triển mở rộng tại các trung tâm năng lượng trọng điểm, TT CNNL Petrovietnam hướng tới việc hình thành là một hệ sinh thái công nghiệp - năng lượng tích hợp, quy mô lớn, được quy hoạch, đầu tư và phát triển dưới vai trò dẫn dắt của Tập đoàn. Mô hình này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc bền vững, kinh tế tuần hoàn và cộng sinh công nghiệp, nhằm tối đa hóa chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh.

TT CNNL bao gồm 3 cấu phần chính. Thứ nhất, năng lượng bao gồm các cơ sở sản xuất và cung cấp năng lượng đa dạng, từ năng lượng truyền thống (khí, LNG) đến năng lượng mới và năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, hydro/amoniac xanh), được kết nối bởi hạ tầng dùng chung hiện đại. Thứ hai, công nghiệp gồm các cụm công nghiệp chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ, phát triển xoay quanh nguồn năng lượng và nguyên liệu tại chỗ, bao gồm lọc hóa dầu, hóa chất, chế tạo thiết bị năng lượng, sản xuất vật liệu mới... Thứ ba, dịch vụ gồm hệ thống hỗ trợ toàn diện, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao cấp như logistics và cảng biến, bảo dưỡng sửa chữa (0&M), nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu phát triển TT CNNL với bộ tiêu chí cốt lõi: tuần hoàn - cộng sinh - chuỗi giá trị tích hợp

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu phát triển TT CNNL với bộ tiêu chí cốt lõi: tuần hoàn - cộng sinh - chuỗi giá trị tích hợp

Đặc trưng "sinh thái" của mô hình được thể hiện qua việc tích hợp sâu chuỗi giá trị, tối ưu hóa dòng vật chất và năng lượng, giảm chi phí, sản phẩm cạnh tranh cao hơn; Tính cộng sinh công nghiệp thông qua sản phẩm, năng lượng hoặc chất thải của một cấu phần/dự án trở thành nguyên liệu đầu vào cho cấu phần/dự án khác, tuân thủ theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP, đồng thời sản xuất sạch hơn, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ giảm phát thải và các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Theo Nghị quyết số 38/NQ-CP, Việt Nam sẽ hình thành 3 trung tâm năng lượng quy mô lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), Quảng Ngãi (cũ) và Thanh Hóa, cùng các vùng động lực khác như Cà Mau, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Hải Phòng, Nghệ An...

Xuất phát từ hiện trạng các khu kinh tế hiện hữu còn phân mảnh, thiếu liên kết sâu trong chuỗi giá trị, đặc biệt về năng lượng, HĐTV và Ban Tổng Giám đốc Petrovietnam định hướng xây dựng mô hình TT CNNL mang bản sắc riêng Petrovietnam, là giải pháp nền tảng và đột phá để khắc phục các tồn tại giúp Tập đoàn phát triển, dẫn dắt thành công quá trình chuyển dịch năng lượng, hiện thực hóa sứ mệnh tại Kết luận 76-KL/TW.

Petrovietnam xác định sẽ tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện hữu và năng lực đầu tư tại các khu vực này để xây dựng TT CNNL có tính đặc thù địa phương, liên kết vùng, tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, logistics và thu hút đầu tư. Đây cũng là cơ hội để các địa phương điều chỉnh quy hoạch tiếp cận mô hình phát triển công nghiệp mới, thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng cao và từng bước nâng cấp năng lực cạnh tranh.

Quy mô quốc gia - tầm nhìn khu vực

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, Tập đoàn hiện sở hữu các chuỗi giá trị quan trọng như thăm dò - khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, khí - điện - đạm, điện gió ngoài khơi… Đây là những nền tảng thuận lợi để từng bước hình thành mô hình TT CNNL sinh thái, phù hợp với tinh thần chỉ đạo tại Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: "Mục tiêu của các TT CNNL do Petrovietnam dẫn dắt cần gắn chặt với thế mạnh đặc thù của Tập đoàn trong quá trình chuyển dịch năng lượng".

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: "Mục tiêu của các TT CNNL do Petrovietnam dẫn dắt cần gắn chặt với thế mạnh đặc thù của Tập đoàn trong quá trình chuyển dịch năng lượng".

Các TT CNNL do Petrovietnam dẫn dắt cần gắn chặt với thế mạnh, đặc thù của Tập đoàn trong quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải, tích hợp chuỗi giá trị và phát triển sản phẩm - dịch vụ gia tăng. Mô hình cần thực hiện triệt để nguyên tắc cộng sinh công nghiệp, tận dụng tối đa dòng nguyên liệu - năng lượng - sản phẩm trong toàn hệ sinh thái để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

Về khu vực ưu tiên hình thành trung tâm, có thể tính toán theo lợi thế hiện hữu: Vũng Tàu với thế mạnh về dầu khí và điện gió ngoài khơi; Long Sơn với chuỗi dự án LNG; Cà Mau với tổ hợp khí - điện - đạm; Dung Quất với nhà máy lọc dầu; Hà Tĩnh với tiềm năng khí LNG và hạ tầng kho xăng dầu. Những lợi thế này là cấu phần lõi để hình thành TT CNNL theo vùng, bảo đảm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và gắn kết hệ sinh thái Petrovietnam hiện có.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việc xây dựng TT CNNL sinh thái là nhiệm vụ chiến lược, cấp bách và mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển dài hạn của Tập đoàn. Đây không chỉ là yêu cầu khách quan từ thực tiễn chuyển dịch năng lượng, mà còn là giải pháp thiết thực để Petrovietnam chủ động gánh vác trách nhiệm với thị trường, tạo ra động lực tăng trưởng mới, phù hợp với xu thế phát triển của ngành năng lượng toàn cầu.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch HĐTV yêu cầu tốc độ triển khai phải khẩn trương, đồng thời đảm bảo tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, với định hướng quy mô quốc gia – tầm nhìn khu vực. Mô hình TT CNNL phải được hình thành trên bộ tiêu chí cốt lõi: tuần hoàn – cộng sinh – chuỗi giá trị tích hợp, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với công nghệ chiến lược và quản trị theo hướng khác biệt, hiệu quả vượt trội. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm tốc độ tăng trưởng bền vững về quy mô của Tập đoàn, đồng thời tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, doanh thu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bài: Phương Thảo - Ảnh: Trần Trung

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/chu-tich-hdtv-le-manh-hung-trung-tam-cong-nghiep-nang-luong-sinh-thai-la-dong-luc-song-con-cua-petrovietnam-730415.html