Chủ tịch May Việt Tiến: Thuế 46% sẽ làm ngành dệt may mất thị trường Mỹ

Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến Vũ Đức Giang, cho biết mức thuế 46% mà Mỹ áp dụng có thể khiến ngành dệt may mất hoàn toàn thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ Bộ Công Thương Việt Nam đã đàm phán trực tiếp với phía Mỹ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu.

Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến, ông Vũ Đức Giang trong phần chia sẻ cùng cổ đông. Ảnh: VGT

Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến, ông Vũ Đức Giang trong phần chia sẻ cùng cổ đông. Ảnh: VGT

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 ngày 26/4, lãnh đạo Tổng CTCP May Việt Tiến (mã: VGG) nhận định năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách, đòi hỏi công ty phải linh hoạt và thích ứng mạnh mẽ.

Thiếu hụt lao động có tay nghề

Theo Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Giang, năm 2024, Việt Tiến đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức đầu tiên là sự sụt giảm lao động trên toàn hệ thống. Sự dịch chuyển mạnh mẽ của lực lượng lao động buộc công ty phải thay đổi cách thức tuyển dụng và tổ chức sản xuất.

Thứ hai, xu hướng dịch chuyển sản xuất trong ngành dệt may toàn cầu đã tác động trực tiếp đến Việt Tiến. Đã có thời điểm công ty thiếu đơn hàng, phải nhận cả những đơn ngoài chuyên môn, dẫn tới việc bù lỗ chi phí sản xuất để duy trì ổn định lực lượng lao động và tuân thủ các quy định pháp luật.

Thách thức thứ ba xuất hiện ở thị trường nội địa. Trong bối cảnh sức mua suy giảm mạnh, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, Việt Tiến buộc phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống cửa hàng, đại lý cũng như các chương trình bán hàng để thích ứng với tình hình mới.

Yếu tố con người cũng trở thành vấn đề lớn thứ tư. Dù công ty không ngừng đào tạo nguồn nhân sự kế cận, việc tìm kiếm những cán bộ có đủ năng lực để kế thừa vẫn rất gian nan. Ông Giang thẳng thắn thừa nhận, HĐQT luôn trăn trở vì chưa nhìn thấy những nhân sự có thể bám sát công việc và tạo ra sự khác biệt.

"Ngày nay, người lao động có nhiều quyền hơn, chỉ sau 2 - 3 tháng làm việc, họ có thể dễ dàng nghỉ việc. Tính ổn định không còn như trước - thời mà lao động phải xếp hàng dài để xin vào Việt Tiến," ông nói. Thực tế, số lao động tại nhà máy Thủ Đức cũng giảm mạnh, từ 2.000 - 3.000 người trước đây, hiện chỉ còn khoảng 800 - 900 người.

Cuối cùng, thách thức thứ năm đến từ sự thay đổi trong cách thức làm việc với các nhãn hàng quốc tế. Thay vì chỉ sản xuất theo yêu cầu, hiện nay nhà sản xuất Việt Nam phải đảm nhiệm nhiều công đoạn hơn, từ phát triển mẫu, tìm nguồn nguyên phụ liệu đến thiết lập phương thức thanh toán theo yêu cầu đối tác. Điều này không chỉ làm tăng áp lực vận hành mà còn tiềm ẩn rủi ro tài chính lớn, nhất là trong bối cảnh một số nhãn hàng thậm chí phá sản.

Chia sẻ thêm về thực trạng lao động, Tổng giám đốc Bùi Văn Tiến cho biết: "Hiện nay công ty phải chủ động tuyển dụng qua các nền tảng online như TikTok. Năm 2024, dù đã tăng lương cho người lao động 8,1% so với năm trước, số lượng nhân sự vẫn giảm 181 người. Bước sang đầu năm nay, tình trạng mất lao động tiếp tục xảy ra, phần lớn là do chi phí sinh hoạt ở thành phố ngày càng cao, khiến nhiều người chọn trở về quê".

Mục tiêu thận trọng, kỳ vọng đạt 330 tỷ đồng lợi nhuận

Về kế hoạch kinh doanh năm tới, lãnh đạo Việt Tiến chia sẻ, công ty đã xây dựng hệ thống sản xuất đủ khả năng đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều bất ổn, công ty xin ý kiến cổ đông đặt mục tiêu thận trọng, duy trì doanh thu đi ngang trong năm 2025. Về lợi nhuận, lãnh đạo Việt Tiến kỳ vọng tăng trưởng 9%, ước đạt 330 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động cũng được điều chỉnh tăng khoảng 4%, đạt mức 13 triệu đồng/người/tháng.

Bước sang năm 2025, đối mặt với những rủi ro từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Giang khẳng định Việt Tiến sẽ kiên định với các mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Công ty tiếp tục thúc đẩy năng lực ứng biến linh hoạt, đồng thời triển khai các kế hoạch trọng điểm, trong đó có việc khánh thành chi nhánh và trung tâm kho mới tại Hà Nội.

Về định hướng năm 2025, ở thị trường nội địa, Việt Tiến đặt mục tiêu giữ vững sự ổn định, đẩy nhanh giải phóng hàng tồn kho; tạm dừng hoạt động những cửa hàng không hiệu quả để chuyển địa điểm; mở rộng ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý bán hàng và hàng tồn; ra mắt dòng sản phẩm mới mang thương hiệu TT_up; đồng thời tái cấu trúc hoạt động bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội.

Ở thị trường xuất khẩu, công ty chủ trương cân đối năng lực sản xuất nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng đã ký, đồng thời quy hoạch lại hệ thống khách hàng theo hướng chuyên môn hóa cho từng đơn vị, tiếp tục xúc tiến, đàm phán để lên kế hoạch sản xuất cho năm 2025.

Trong phần trao đổi với cổ đông, khi được hỏi về tác động của thuế quan Mỹ đối với hoạt động kinh doanh, Chủ tịch Vũ Đức Giang cho biết mức thuế 46% chỉ là đề xuất ban đầu, sau đó phía Mỹ đã điều chỉnh xuống còn 10% cho các quốc gia khác. Ông cũng thông tin thêm, thời gian qua Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc trực tiếp với phía Mỹ và mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Trên cơ sở đó, Việt Tiến xác định sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt để thích ứng với mọi biến động bên ngoài.

"Chúng ta không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra ngày mai. Nếu ngành dệt may thực sự bị áp mức thuế 46%, chắc chắn doanh nghiệp nào cũng phải đóng cửa, không còn cơ hội bán hàng vào Mỹ," ông Vũ Đức Giang bày tỏ.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-tich-may-viet-tien-thue-46-se-lam-nganh-det-may-mat-thi-truong-my-40910.html