Chủ tịch nước: Cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, bảo vệ dân

Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, sửa luật phải hướng đến mục tiêu nhằm đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chiều 8/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu phân tích kỹ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các dự án luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có tuổi thọ lâu dài. Ảnh: Media Quốc hội.

Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu phân tích kỹ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các dự án luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có tuổi thọ lâu dài. Ảnh: Media Quốc hội.

Phát biểu ý kiến tại tổ, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu phân tích kỹ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các dự án luật, đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn phát triển mới, để luật có tuổi thọ lâu dài, nếu "sửa một tý xong lại sửa tiếp là không ổn".

Theo Chủ tịch nước, mục tiêu trước hết là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân, của dân.

Chính vì vậy, các luật liên quan đến Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân phải tuân thủ theo Hiến pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, phải bảo đảm thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.

Theo đó, số lượng, chất lượng, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn… của cán bộ công chức những cơ quan này phải được đảm bảo để hoạt động hiệu quả. Đặc biệt cần nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án khi bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp xã.

Nhắc lại mục tiêu sửa luật phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mục tiêu của việc cải cách tư pháp là các cơ quan tư pháp thực sự độc lập, gần dân, sát dân, bảo vệ dân, khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn.

"Luật không chỉ xử những người vi phạm mà quan trọng hơn cả là để giáo dục cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu được, tự giác tuân thủ pháp luật", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Media Quốc hội.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Media Quốc hội.

Theo Chủ tịch nước, hệ thống cơ quan tư pháp gồm điều tra, viện kiểm sát, tòa án dù tam quyền nhưng có sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch nước dẫn chứng sau khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và thực hiện việc sắp xếp bộ máy, TP.HCM có 168 đơn vị hành chính cấp xã. Với số lượng địa giới hành chính lớn, để thực hiện được mục tiêu gần dân, Chủ tịch nước cho rằng không chỉ cần ghi nhớ tên, địa giới hành chính mà còn phải nhớ được các cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch) của từng đơn vị.

Ông cũng nhấn mạnh, chủ trương đã rõ, Trung ương thống nhất rất cao, nhân dân rất đồng tình ủng hộ thì thể chế cần phải xây dựng sao cho đáp ứng được yêu cầu, nhất là các cơ quan tư pháp. "Luật sửa phải chắc chắn đáp ứng được yêu cầu", ông nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước yêu cầu phải khắc phục tình trạng hiểu pháp luật nhưng lại lách luật, còn chỗ không hiểu thì làm sai luật. Đây là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, dù khó cũng phải bịt được lỗ hổng này.

Đồng thời, phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.

"Ví dụ hiện nay, tổ chức cơ quan điều tra có Bộ Công an, công an cấp tỉnh, cấp xã và cơ quan điều tra Viện kiểm sát, Bộ Quốc phòng... tuy hoạt động độc lập nhưng phải có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ.

Các dự án luật phải được thảo luận, thống nhất cao của gần 500 đại biểu để bấm nút thông qua là thực hiện. Quá trình thực tiễn sẽ có những phát sinh, tuy nhiên cần hạn chế thấp nhất", Chủ tịch nước yêu cầu.

Yến Chi

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chu-tich-nuoc-co-quan-tu-phap-phai-thuc-su-gan-dan-bao-ve-dan-192250508162538815.htm