Chủ tịch nước: Kẻ thù nguy hiểm của dân tộc là sự vô cảm, lòng tham lam

Chủ tịch nước cho rằng, kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, lòng tham lam, …Do đó, sứ mệnh của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao.

Sáng 30/9, tại Hải Phòng, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng tổ chức khai mạc Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất.

Hội nghị được tổ chức để nhìn lại những thành tựu và bài học kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới văn học nước nhà; tăng cường đoàn kết, động viên toàn thể đội ngũ nhà văn phát huy trách nhiệm, mạnh mẽ đi vào đời sống, phấn đấu sáng tạo những tác phẩm lớn, có sức khái quát cao phản ánh sinh động, tầm cỡ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có tác dụng sâu sắc xây dựng văn hóa, xây dựng con người.

Đặc biệt, xác lập sứ mệnh của Văn học trong việc giáo dục lịch sử dân tộc, gìn giữ và phát huy những vẻ đẹp văn hóa truyền thống góp phần làm ra phẩm giá con người Việt Nam.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ tình cảm yêu quý, trân trọng các nhà văn.

Chủ tịch nước cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, phát huy vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình ấy, văn nghệ sĩ, nhà văn luôn được đặt ở vị trí trung tâm, có vai trò quyết định sáng tạo ra giá trị tinh thần cao đẹp cho xã hội.

Chủ tịch nước phẩn khởi được gặp gỡ các nhà văn lão thành, trong đó rất nhiều nhà văn đã là "nhà văn chiến sĩ", đi qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, sáng tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại, như những "đoàn quân" đặc biệt mang sức mạnh tinh thần Việt Nam bất diệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.

Chủ tịch nước cũng xúc động tưởng nhớ và tri ân các nhà văn đã mất, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vĩ đại cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước như Nam Cao, Thâm Tâm, Trần Đăng, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Trần Quang Long, Dương Thị Xuân Quý…, những con người mà cuộc đời và tác phẩm của họ còn sống mãi với Tổ quốc, với nhân dân.

Dẫn Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Văn hóa soi đường quốc dân đi", 75 năm sau, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: "Văn hóa còn là dân tộc còn", Chủ tịch nước khẳng định, văn hóa là sự sống còn của một dân tộc.

“Nếu không có văn hóa thì mỗi con người và mỗi dân tộc ở bất kỳ nơi đâu, ở bất kỳ thời đại nào cũng không thể tìm thấy mục đích và giá trị sống chân chính của mình. Mà văn học là một trong những thành tố vô cùng quan trọng làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, lan tỏa vẻ đẹp ấy trong đời sống, đánh thức tình yêu và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam với Tổ quốc của mình”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cho rằng, kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược bằng những con người cụ thể, được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình lại không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại…

Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

Chủ tịch nước khẳng định, các nhà văn Việt Nam luôn là những chiến sĩ` tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và bảo vệ phẩm giá con người bằng con đường kỳ diệu của văn học, gieo những hạt giống của cái đẹp vào tâm hồn con người. Chỉ khi con người mang trong tâm hồn mình những vẻ đẹp nhân tính thì mới đi qua được sự cám dỗ của những dục vọng thấp hèn, mới có thể dâng hiến cho con người và cho dân tộc.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao bằng tôn vinh cho Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao bằng tôn vinh cho Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nhà thơ Hữu Thỉnh.

Bằng trải nghiệm của mình qua những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của dân tộc, các nhà văn lão thành tiếp tục là chỗ dựa tinh thần bền vững và tin cậy, truyền cảm hứng, kinh nghiệm sống và sáng tác, khích lệ cá tính sáng tạo và ủng hộ cái mới cho các nhà văn trẻ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, với xu thế của thời đại, luôn hướng tới, đi cùng con đường vì Cái đẹp, vì Con người và vì Dân tộc.

Chủ tịch nước mong có một sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và các nhà văn trẻ.

Chủ tịch nước tin rằng, với những nền tảng mà những nhà văn lão thành đã gây dựng được cho nền văn học và văn hóa Việt Nam, những người viết trẻ sẽ không lạc lối, đủ bản lĩnh, tỉnh táo và lòng dũng cảm để dấn thân, đam mê, khám phá và sáng tạo, tìm kiếm những giá trị mới, cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao chạm đến xúc cảm của công chúng, những tác phẩm xứng đáng với Tổ quốc, con người Việt Nam.

Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Chủ tịch nước nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

“Thời gian sẽ là nhân chứng tin cậy nhất cho con đường mà dân tộc đã, đang và tiếp tục bước đi. Trên con đường đi tới của dân tộc có dấu chân bền bỉ và không mệt mỏi của các nhà văn - những người bằng trí tuệ, bản lĩnh, tình yêu thương con người và linh cảm nghề nghiệp, sẽ dựng nên chân dung con người Việt Nam, chân dung dân tộc Việt Nam với khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, với niềm kiêu hãnh và tinh thần bất khuất trước mọi khó khăn, thách thức”, Chủ tịch nước khẳng định.

Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng cuốn sách "Hồ Chí Minh- Thư gửi nước Mỹ", tập hợp những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chính khách, tổ chức và cá nhân ở Mỹ trong giai đoạn từ năm 1919 - 1969. Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng trao bằng tôn vinh cho Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nhà thơ Hữu Thỉnh, gửi tặng khen thưởng tới Nhà văn Ma Văn Kháng (vì lý do sức khỏe không tham dự Hội nghị).

Mời độc giả xem thêm video Ông Võ Văn Thưởng trở thành Chủ tịch nước trẻ nhất lịch sử

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-ke-thu-nguy-hiem-cua-dan-toc-la-su-vo-cam-long-tham-lam-1906131.html