Chủ tịch nước Tô Lâm dự lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm 2023

Tối 21-6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm 2023 với chủ đề 'Khát vọng và bản lĩnh Việt Nam'.

Tới dự buổi lễ có Chủ tịch nước Tô Lâm; các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội.

 Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan trưng bày về báo chí. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan trưng bày về báo chí. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, báo chí trong năm qua đã phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược phát triển đất nước nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Báo chí phát hiện ra các mô hình phát triển nông nghiệp, nông sản, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cập tới những vấn đề, những điểm nghẽn của nền kinh tế như đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường vàng, điện, xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, tín dụng… Đồng thời, đề cập trực diện những vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội như vụ khủng bố tại Đắk Lắk và trục lợi từ tội phạm chống phá Nhà nước; nạn lừa đảo thời 4.0; vấn đề xâm phạm môi trường qua việc “xẻ thịt” công viên địa chất toàn cầu; hiểm họa “bụi phổi” và “ô nhiễm trắng”, nạn phá rừng và thủ đoạn “chuyển phát nhanh” gỗ lậu, nạn gian dối trong công bố bài báo quốc tế, nạn đánh cắp cổ vật và những bài học đau xót từ “chung cư mini”…

 Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi đến các thế hệ nhà báo, người làm báo, công chúng báo chí trong, ngoài nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; xin chúc các nhà báo lão thành, cán bộ, người làm báo cả nước sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi trong công tác, cuộc sống.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu cao quý, thiêng liêng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trải qua 99 năm ra đời, phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện rõ nét vai trò vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, ngọn cờ cách mạng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vượt qua mọi khó khăn thử thách, không quản gian khó, hy sinh, sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, các thế hệ nhà báo đã chung sức, đồng lòng xây dựng nên nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, của dân; cầu nối tin cậy của nhân dân với Đảng và Nhà nước; cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân ta với bạn bè quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua.

Chủ tịch nước chúc mừng 122 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - giải thưởng cao quý nhất của Hội nhà báo dành tặng các tác phẩm báo chí, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất năm 2023

Chủ tịch nước cũng nêu rõ, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Chủ tịch nước đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, “vừa hồng, vừa chuyên”; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.

Chủ tịch nước cũng đề nghị phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng.

Cùng với đó, khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước.

 Chủ tịch nước Tô Lâm và các nhà báo. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Tô Lâm và các nhà báo. Ảnh: QUANG PHÚC

Song song đó, tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí. Các tác phẩm báo chí phải không ngừng giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam; định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

 Tác giả Phạm Hoài Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận giải. Ảnh: QUANG PHÚC

Tác giả Phạm Hoài Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận giải. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo chí cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số.

Chủ tịch nước cho rằng, để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là “thư ký của thời đại", trở thành “người gác cổng của nhân dân", người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, cần không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập về lý luận, nghiệp vụ báo chí và công nghệ báo chí truyền thông hiện đại.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, tiếp nối truyền thống 99 năm ra đời và phát triển, với kinh nghiệm, bản lĩnh, ý chí, đội ngũ những người làm báo - lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó.

 Báo Sài Gòn Giải Phóng được trao 2 giải C. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo Sài Gòn Giải Phóng được trao 2 giải C. Ảnh: QUANG PHÚC

Số lượng tác phẩm gửi về dự giải lần này là 1.905 tác phẩm, trong đó có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định. Trong số 165 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.

 Tác giả Thi Hồng, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận giải. Ảnh: QUANG PHÚC

Tác giả Thi Hồng, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận giải. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt 2 giải C, gồm tác phẩm “Ngành du lịch kêu cứu vì... thiếu "nhạc trưởng" (loạt 5 bài) của nhóm tác giả: Bùi Thị Hồng (Thi Hồng), Trần Thị Thu Hà (Mai An), Nguyễn Quốc Bình (Quốc Bình), Nguyễn Tiến Thắng (Nguyễn Tiến), Mai Thị Xuân Quỳnh (Xuân Quỳnh) và tác phẩm “Trục lợi từ tội phạm chống phá Nhà nước” (loạt 3 bài) của tác giả Phạm Hoài Nam (Hoài Nam).

Dưới đây là chùm ảnh Chủ tịch nước Tô Lâm dự lễ trao giải báo chí quốc gia tối 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chu-tich-nuoc-to-lam-du-le-trao-giai-bao-chi-quoc-gia-lan-thu-xviii-nam-2023-post745703.html