Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức

Sáng 22/5, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể đồng bào, cử tri cả nước.

Chủ tịch nước tuyên thệ

Sáng nay (22/5), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch nước thứ 13 của Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngay sau đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể đồng bào, cử tri cả nước.

Tân Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ trước toàn thể đồng bào, cử tri cả nước.

Tân Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ trước toàn thể đồng bào, cử tri cả nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Tô Lâm; đồng thời gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và tặng hoa Chủ tịch nước Tô Lâm.

Đại tướng Tô Lâm sinh năm 1957 (67 tuổi), quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; Trình độ giáo sư, tiến sĩ.

Ông Tô Lâm là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII.

Từ năm 1979, ông Tô Lâm lần lượt trải qua nhiều chức vụ trong ngành công an như Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Cục Bảo vệ chính trị I, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị I rồi Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị III, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh rồi Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục An ninh I, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I.

Từ năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011), ông Tô Lâm được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI. Tới tháng 9/2014, ông Tô Lâm được thăng cấp bậc hàm thượng tướng.

Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), ông Tô Lâm được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, rồi Bộ Chính trị khóa XII, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an. Tháng 1/2019, ông Tô Lâm được phong quân hàm Đại tướng.

Tại Đại hội XIII, ông Tô Lâm tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII, tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Công an. Ông Tô Lâm cũng là đại biểu Quốc hội khóa XV.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán các tòa án khác, phó viện trưởng, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chủ tịch nước quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá.

Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam.

Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-nuoc-to-lam-tuyen-the-nham-chuc-192240519214622371.htm