Sáng nay (28/6) Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng nay (28/6), tiếp tục chương trình làm việc đợt 2, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Đây là dự án luật có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), đã cơ bản được các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi luật và nội dung chính của dự thảo luật.

Ngay sau kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với bộ, ngành, cơ quan có liên quan; cử đại diện tham gia một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2024; sau đó được tiếp thu, chỉnh lý để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 (tháng 3/2024) và gửi lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Cầu sắt cổ nhất Hà Nội - cầu Long Biên. Ảnh: Khánh Huy

Cầu sắt cổ nhất Hà Nội - cầu Long Biên. Ảnh: Khánh Huy

Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã rà soát, chỉnh lý toàn bộ nội dung của Dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về "Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065". Đồng thời, bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung Dự thảo Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 Chương, 54 Điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại đầu kỳ họp thứ bảy.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//sang-nay-286-quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-thu-do-sua-doi-385846.html