Chủ tịch OCB 'chạnh lòng' khi cổ phiếu bị định giá thấp so với nhóm ngân hàng

Giá cổ phiếu OCB đang bị định giá thấp khi P/B ở mức 0,8 vào phiên cuối tuần trước, trong khi trung bình các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 1,2.

“Tôi cũng rất chạnh lòng khi cổ phiểu OCB đang bị chiết khấu tới 35%. Phải thẳng thắn với nhau, khi kết quả kinh doanh của ngân hàng chưa đạt kỳ vọng thì giá cổ phiếu bị tác động là khó tránh khỏi”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn thẳng thắn khi nói về giá cổ phiếu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức sáng nay.

Năm ngoái, OCB tăng trưởng tín dụng gần 20%, cao hơn mức trung bình 15% của ngành ngân hàng. Trong đó, dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11%, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 51% so với đầu năm. Tổng tài sản của ngân hàng tăng 17% lên 280.712 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,3%.

Huy động thị trường một đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đạt 13%, cao hơn mức trung bình ngành dưới 10%. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng trưởng gần 16%, đóng góp 65% tổng quy mô tiền gửi khách hàng. Riêng tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm trước.

Tổng thu thuần đạt 10.069 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2023, nhờ quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện lên mức 3,5% vào cuối năm 2024.

Sau khi tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, đẩy mạnh công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ… trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế tăng 230% so với quý trước. Nhờ đó, OCB đạt lợi nhuận trước thuế 4.006 tỷ đồng cho cả năm.

Dẫu vậy, lãnh đạo OCB thừa nhận “kết quả kinh doanh 2024 không đạt được kỳ vọng”.

Nguyên nhân là vì, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm ngoái, lãnh đạo OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023.

“Tôi muốn nói với cổ đông, đầu tư vào OCB phải có tầm nhìn dài hạn. Tôi là nhà đầu tư lớn nhất tại ngân hàng, kỳ vọng về dài hạn cổ phiếu OCB sẽ đạt được đúng giá trị”, ông Tuấn nói.

Hoạt động cốt lõi tăng trưởng tốt

Dù kết quả kinh doanh năm ngoái chưa đạt “kỳ vọng” nhưng OCB vẫn ghi dấu ấn bởi những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững.

Theo ông Tuấn, OCB đã triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, giúp 15.000 khách hàng, đặc biệt là những nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, lãi suất cạnh tranh.

“Kết quả này là phù hợp với tinh thần và chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng đến phát triển kinh tế tư nhân”, ông Tuấn nói.

Năm 2024, mặc dù thị trường có dấu hiệu gia tăng lãi suất nhưng OCB vẫn tiếp tục duy trì nền lãi suất huy động thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng. Từ đó, lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể, góp phần thúc đẩy các sản phẩm tín dụng tăng trưởng bền vững theo đúng định hướng từ Chính phủ.

Đại hội đồng cổ đông OCB tổ chức sáng nay. Ảnh An Nhiên

Đại hội đồng cổ đông OCB tổ chức sáng nay. Ảnh An Nhiên

Đặc biệt, OCB đã và đang thực hiện hiệu quả hoạt động dẫn vốn trong cuộc "cách mạng xanh", thể hiện vai trò tiên phong khi là một trong những ngân hàng hàng đầu về chiến lược phát triển bền vững.

Tính đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023, đây được đánh giá là mức tăng trưởng tín dụng cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB lý giải, năm 2024 đúng là kết quả chưa đạt được như kỳ vọng nhưng cốt lõi của ngân hàng vẫn tăng trưởng.

Đơn cử như NIM 2023 là 3,3% thì cuối 2024 đã tăng lên 3,5%, mặc dù ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho khách trong giai đoạn khó khăn.

Hay như CASA năm 2023 là 12% thì cuối 2024 đã tăng lên gần 15%, đến quý I/2025 gần 16% và mục tiêu 20% vào cuối năm nay. Ngoài ra, doanh thu dịch vụ ngoại hối tăng 55% so với năm trước.

“Năm 2024, kết quả kinh doanh chưa tốt chủ yếu là do nợ xấu của khách hàng cá nhân. Dư nợ cho vay nhóm khách hàng cá nhân chiếm dưới 5% trong tổng dư nợ và các khoản nợ đều có tài sản bảo đảm. Việc xử lý tài sản mất rất nhiều thời gian, ngân hàng phải trích lập dự phòng và chính khoản dự phòng này dẫn đến kết quả kinh doanh 2024 không tốt”, ông Hải nói thêm.

Ông Hải cũng “bật mí”, trong quý I/2025, OCB ước tính doanh thu gần 2.300 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 900 tỷ đồng. Quy mô tín dụng và huy động thị trường một tăng trưởng lần lượt 2,2% và 8,3%.

Với mục tiêu phát triển bền vững, ông Hải cho biết, OCB đã triển khai chiến lược ngân hàng xanh và mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ hướng tới Net Zero vào năm 2050. “Tôi tin rằng đây cũng là một yếu tố đem đến sự khác biệt của OCB so với những ngân hàng khác”, ông Hải nói.

Dẫn chứng những lợi ích thiết thực của phát triển bền vững, lãnh đạo ngân hàng cho hay, tính đến 31/12/2024 dư nợ tín dụng xanh tại OCB chiếm 11% tổng dư nợ.

“Chúng tôi đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFC, PwC, DEG… trong việc tăng cường, nâng cao khả năng nguồn vốn xanh, trong đó IFC tài trợ 175 triệu USD”, ông Hải nói và nhấn mạnh thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh thông qua việc triển khai KPI Green Loan dành cho các khối kinh doanh.

Đồng thời, OCB cũng hoàn thiện khung quản trị ESG (môi trường, xã hội và quản trị) theo thông lệ quốc tế, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh, tài chính toàn diện và định hướng nâng cao xếp hạng ESG của ngân hàng, đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Lần đầu chia cổ tức tiền mặt

Ban lãng đạo OCB nhìn nhận tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những bất ổn địa chính trị, áp lực Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành, nợ xấu tăng khi thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, mức chỉ tiêu của người dân chưa phục hồi mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng chậm hơn kỳ vọng.

Từ đó, áp lực duy trì thanh khoản và đảm bảo lợi nhuận đè nặng lên vai các ngân hàng, trong đó có OCB.

Tuy nhiên, nhà băng này vẫn tự tin đặt mục tiêu tổng tài sản năm nay đạt 316.779 tỷ, tăng 13%; tổng huy động thị trường một đạt 218.842 tỷ, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường một khoảng 208.472 tỷ, tăng 16% lên.

Lợi nhuận trước thuế năm nay kỳ vọng đạt 5.338 tỷ, tăng 33% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Đặc biệt, OCB đặt mục tiêu vào top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả ESG, đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ thị trường một lên hơn 11% trong năm 2025.

“2025 là một năm thách thức nhưng chúng tôi kỳ vọng OCB sẽ chuyển mình cùng với sự vươn mình của đất nước”, ông Tuấn nói.

Theo chủ tịch OCB, ngân hàng đã trải qua thời kỳ phát triển tốt, từ một ngân hàng nhỏ thành ngân hàng tầm trung, lợi nhuận tăng trưởng 60%-70%, thậm chí gấp đôi trong giai đoạn 2010 – 2021.

Vấp ngã ở đâu phải đứng lên, giải quyết vấn đề ở đó. Những gì chưa tốt, không tốt thì HĐQT rất cầu thị, lắng nghe, đánh giá lại.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, kinh tế thế giới đảo chiều, Fed tăng lãi suất thay vì duy trì lãi suất thấp như trước đây, chính sách tiền tệ tại Việt Nam cũng thay đổi.

“Vấp ngã ở đâu phải đứng lên, giải quyết vấn đề ở đó. Những gì chưa tốt, không tốt thì HĐQT rất cầu thị, lắng nghe, đánh giá lại. Trong năm 2024, chúng tôi đã làm rất quyết liệt từ chiến lược, tái cấu trúc, thậm chí đến ‘ghế nóng’ tổng giám đốc cũng thay đổi. Kỳ vọng năm nay OCB sẽ chuyển mình”, ông Tuấn khẳng định.

OCB đã và thực hiện một số giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh để tạo niềm tin đối với cổ đông hiện hữu lẫn các nhà đầu tư tiềm năng.

Cụ thể, theo tổng giám đốc OCB, năm 2025 ngân hàng sẽ tập trung vào bốn trụ cột gồm tập trung vào thu nhập lõi (bao gồm tăng phí, CASA, sản phẩm), chuyển đổi số và dữ liệu, quản trị vốn và rủi ro theo chuẩn quốc tế, nâng cao văn hóa tổ chức đội ngũ.

Năm 2025, dự kiến tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng và tiếp tục trình tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 8%.

Đây là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trước đó, ngân hàng chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Quốc Hải

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chu-tich-ocb-chanh-long-khi-co-phieu-bi-dinh-gia-thap-so-voi-nhom-ngan-hang-d39843.html