Hướng phát triển nào cho hệ thống chợ dân sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh?
Ngày 22/4, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo 'Hệ thống chợ dân sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh - Nhìn về tương lai'.

Chợ Cầu Ông Lãnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: BNEWS phát
Ngày 22/4, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Hệ thống chợ dân sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh - Nhìn về tương lai”; đồng thời, công bố kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 của Đề án về đề xuất mô hình thí điểm chợ dân sinh và chiến lược, giải pháp phát triển hệ thống chợ dân sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (gọi tắt là Đề án) để đáp ứng nhu cầu phát triển chung trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trên cơ sở hướng đến mục tiêu duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và chuyển đổi số nền kinh tế, đề xuất chiến lược, giải pháp tổng thể phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Sở Công Thương thành phố phối hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án.
Cùng với đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức chuỗi sự kiện ghi nhận, tham vấn ý kiến chuyên gia, sở ngành, đơn vị chuyên môn… nhằm đảm bảo Đề án khi hoàn thành có giá trị thực tiễn cao và đề xuất được giải pháp phù hợp với tầm nhìn tương lai.
TP. Hồ Chí Minh có vị trí hết sức quan trọng, vừa là trung tâm kinh tế - thương mại - du lịch và dịch vụ lớn của cả nước, vừa là địa điểm trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa tốt nhất khu vực. TP. Hồ Chí Minh còn là địa phương tiếp giáp Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ, cảng biển… với những điều kiện thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và thương mại dịch vụ nói riêng.
Thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 232 chợ, với lượng hàng hóa chiếm 60-65% tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Cùng với quá trình hình thành và phát triển TP. Hồ Chí Minh, các chợ dân sinh cũng hình thành và phát triển, không chỉ trở thành một trong những biểu tượng của ngành thương mại mà còn là lịch sử - văn hóa như chợ Bến Thành (năm 1914).
Tiếp nối sau đó, cùng với đà phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt chợ khác cũng ra đời như: chợ Cầu Ông lãnh, Cầu Muối, Bình Tây, An Đông, Hòa Bình, Xóm củi, Tân Định, Bà Chiểu, Soái Kình Lâm, Tân Bình, An Lạc, Phạm Văn Hai… Hệ thống chợ tại TP. Hồ Chí Minh có đủ phương thức kinh doanh bán buôn, bán lẻ, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; cùng đa dạng ngành hàng là nông sản thực phẩm, mỹ phẩm, tiểu thủ công nghiệp, vải sợi, kim khí điện máy, hóa chất, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, trong hoạt động thương mại ngày nay, sự hình thành và phát triển hệ thống chợ có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng, bởi chợ là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Sự phát triển hệ thống chợ cũng là phù hợp với nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhà sản xuất và người tiêu dùng, vì vẫn giữ vai trò là đầu mối lưu thông hàng hóa, cung cấp thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân và không chỉ là nơi để mua bá mà còn là nét văn hóa của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng ngày nay khách hàng ngày ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, trong khi đó không thể phủ nhận rằng điều kiện kinh doanh tại rất nhiều chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang xuống cấp. Hệ thống chợ vẫn tồn tại tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng bán tràn lan… khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin, quay lưng với chợ truyền thống.
Còn đại diện Đơn vị tư vấn xây dựng Đề án cho hay, tại hệ thống chợ còn có một số bất cập trong kinh doanh và công tác quản lý chợ cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hút khách hàng đến với chợ. Trong đó, có thể kể đến chính sách đầu tư của nhà nước, quy hoạch phát triển thương mại của địa phương, đầu tư cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý chợ, của chính tiểu thương và cả người tiêu dùng đến chợ.
Trước thực trạng hệ thống chợ hiện tại, các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển và quản lý chợ cần thiết phải có hệ thống giải pháp mang tính toàn diện và đồng bộ. Cụ thể, trước hết là phải thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ, hình thành những chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào phát triển của hệ thống chợ tại TP. Hồ Chí Minh.