Chủ tịch Quốc hội: Chuẩn bị 'từ sớm, từ xa' đảm bảo chất lượng cho kỳ họp thứ 10
Ngày 10/7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng).
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngay sau thành công của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đã thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, cùng với 34 luật và 34 nghị quyết. Hiện tại, các đại biểu Quốc hội đang tích cực tiếp xúc cử tri tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngay sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương triển khai ngay việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, bắt đầu hoạt động từ 1/7/2025.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp này Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 8 nội dung lớn. Theo đó, cho ý kiến bước đầu về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Chủ tịch Quốc hội, chuyên đề giám sát này vừa rất thiết thực vừa có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới cần nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
Trong thời gian tới, Bộ Chính trị dự kiến sẽ cho ý kiến về nghị quyết tập trung cho phát triển giáo dục đào tạo; và nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta sẽ có 6 nghị quyết trong thời gian tới để triển khai. Vừa qua đã triển khai 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị. Quốc hội cũng đã thông qua 3 nghị quyết về khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật; kinh tế tư nhân; đây là những nghị quyết rất quan trọng. Vừa qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội cũng đã thông qua Luật Nhà giáo và quyết định giảm, miễn học phí cho mẫu giáo và bậc phổ thông. Đồng thời, nghị quyết về chăm lo cho học sinh ở vùng núi, và hiện nay Hội đồng nhân dân các địa phương đang thi hành. Điển hình như Hà Nội đã có ban hành nghị quyết về hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục xem xét và quyết định điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025 trên cơ sở các tờ trình của Chính phủ và báo cáo của Ủy ban pháp luật - Tư pháp. Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tục điều chỉnh liên tục chương trình xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, và xây dựng bộ máy.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 9 và ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10. "Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hoàn tất nhiệm vụ đề ra và tạo dựng tiền đề cho nhiệm kỳ tới", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và chỉ đạo công tác chuẩn bị phải thật bài bản, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức và chất lượng, khẳng định vai trò dẫn dắt kiến tạo của Quốc hội và Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tập trung thảo luận kỹ kết quả và hạn chế của Kỳ họp thứ 9, đồng thời định hướng rõ ràng cho Kỳ họp thứ 10 để thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Phiên họp thứ 47 cũng xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội các tháng 4, 5 và 6 năm 2025. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét thông qua: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027; Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước 2026.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với 2 nội dung: báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản vi phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội quý 2 năm 2025; và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết 31 QH15 quy định hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, phát huy kết quả những phiên họp trước, hoàn thành tốt phiên họp. Đây cũng là một bước chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho Kỳ họp cuối nhiệm kỳ (Kỳ họp thứ 10-PV) cũng như các sự kiện quan trọng của Quốc hội trong thời gian tới. Dự kiến, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội sẽ họp với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ từ rất sớm chuẩn bị các nội dung để những luật, nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 10 bảo đảm chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan khối Quốc hội ngay từ bây giờ phải phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thành các nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch đã đề ra của năm 2025 và cả nhiệm kỳ khóa XV.
Đồng thời, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động cập nhật và triển khai ngay các nhiệm vụ mới; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng, trách nhiệm cao, tránh dồn công việc vào sát kỳ họp.