Đề xuất kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 – 2025 sang năm 2026

Chính phủ đề xuất kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách 2022 – 2025 sang năm 2026, không ban hành nghị quyết riêng về phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2026.

Chiều 10/7, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ

Theo Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đề xuất kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 sang năm 2026, không ban hành nghị quyết riêng về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Ảnh: QH

Đề nghị giữ nguyên tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối như dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”- ông Thắng cho biết.

Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đến nay việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã vẫn chưa hoàn thành, đồng thời còn nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, cùng với việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước hiện đang được Chính phủ nghiên cứu, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật tình hình.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến. Đồng thời, Chính phủ và cơ quan thẩm tra đề nghị không ban hành nghị quyết riêng về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026, mà đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép báo cáo Quốc hội quyết định việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 thêm một năm, áp dụng cho năm 2026.

Phát biểu kết luận tại phiên họp đối với nội dung xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Quốc hội không ban hành nghị quyết riêng về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: QH

Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, tổng hợp và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2026 đúng quy định pháp luật, không để xảy ra vướng mắc, chậm trễ, bảo đảm chất lượng dự toán phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mô hình tổ chức đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Việc xây dựng dự toán phải bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải bảo đảm công tác tài chính cho hoạt động của các địa phương, đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, nhất là cấp xã, cấp huyện; cần chú trọng dự toán chi cho quốc phòng, an ninh, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về công khai, minh bạch ngân sách nhà nước.

Chính phủ phải cập nhật, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách năm 2026, trong đó lưu ý cơ cấu chi thường xuyên hợp lý, ưu tiên chi cho chế độ, chính sách với đội ngũ cán bộ, công chức, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất của các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa và các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, đồng thời giải quyết tốt chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.

Bên cạnh đó, cần quan tâm quản lý chặt chẽ tài sản công, nhà, đất sau sáp nhập; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để xây dựng tờ trình, báo cáo Quốc hội về phương án kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 – 2025 sang năm 2026, đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Thường vụ Quốc hội thông qua 3 nghị quyết

Kết luật Phiên họp thứ 47, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng. Cụ thể, đã cho ý kiến đối với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua ba nghị quyết: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025 – 2027; và Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026, phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Phiên họp cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong các tháng 5 và 6 năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên họp đã được các cơ quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, tích cực. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho Kỳ họp thứ 10 sắp tới, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc triển khai nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 10 dự kiến sẽ có hơn 90 nội dung, trong đó có 36 dự án luật phải xem xét, thông qua tại một kỳ họp. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, tránh bị động.

Ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội khẩn trương bắt tay triển khai ngay công tác chuẩn bị.

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung chuẩn bị chu đáo các dự án luật, nhất là 30 dự án luật mới, bên cạnh 6 dự án đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9. Vì đây là kỳ họp cuối cùng xem xét, thông qua nhiều dự luật của nhiệm kỳ, cần bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để dồn vào nhiệm kỳ sau, tránh chia khúc chương trình làm việc.

Để kỳ họp cuối nhiệm kỳ diễn ra chu đáo, chất lượng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan rà soát tổng thể các nội dung, chủ động đề xuất, hoàn thiện tài liệu, bảo đảm tiến độ, hạn chế tối đa việc bổ sung, điều chỉnh nội dung sát kỳ họp hoặc trong thời gian kỳ họp đang diễn ra.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thời gian tới, ngoài các phiên họp thường kỳ, có thể sẽ bố trí thêm các phiên họp vào đầu hoặc cuối tháng 8 để kịp thời giải quyết công việc. Tháng 8 sẽ không tổ chức hoạt động chất vấn để tập trung cho công tác lập pháp, tổng kết nhiệm kỳ và các hoạt động quan trọng kỷ niệm Quốc khánh, Cách mạng Tháng Tám, cùng với việc chuẩn bị các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Riêng Chủ tịch Quốc hội sẽ trực tiếp làm việc với 8 địa phương, mỗi địa phương cần chuẩn bị báo cáo chi tiết. Các cơ quan cần khẩn trương xây dựng báo cáo công tác nhiệm kỳ của cơ quan mình, gửi sớm tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 8.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 10.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-keo-dai-thoi-ky-on-dinh-ngan-sach-giai-doan-2022-2025-sang-nam-2026-410021.html