Chủ tịch Quốc hội: Cơ quan trình luật phải chịu trách nhiệm đến cùng
Thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút như hiện tại, Dự thảo sửa đổi quy định Cơ quan trình báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo.
![Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tổ - Ảnh Như Ý.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_72_51456251/53a92c541b1af244ab0b.jpg)
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tổ - Ảnh Như Ý.
Trước đây, cơ quan trình làm 50-60%, đưa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội hết sức vất vả, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói khi Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Lần sửa đổi này, Chính phủ để xuất 7 vấn đề mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, trong đó có quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.
Thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút như hiện tại, Dự thảo sửa đổi quy định Cơ quan trình báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo.
Nêu ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hướng tới là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình, cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng.
Ông Mẫn nói, trước đây, cơ quan trình làm 50-60%, đưa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban hết sức vất vả.
“Báo cáo các đồng chí, có luật Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội ngồi 7-8 cuộc, như Luật Đất đai 2024. Việc này nhiều lần tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật. Không thể giao cho thứ trưởng, vụ trưởng mà bộ trưởng, trưởng ngành không sâu, không biết. Cái này Thủ tướng cũng chỉ đạo như thế”, ông Mẫn phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ xem xét thông qua trong 1 kỳ họp nhưng chỉ quy định chung theo hướng tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến các nhau. “Vấn đề này phải xác định hồ sơ, trình tự thủ tục phải thế nào. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm”, ông Mẫn lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tạo điều kiện xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong năm nay cũng như nhiệm kỳ sau.
“Thường vụ Đảng ủy Chính phủ và Quốc hội thống nhất rất cao. Thủ tướng cũng đánh giá cảm ơn Quốc hội tại kỳ họp 7 và 8 tạo điều kiện thuận lợi. Chính vì thế năm 2024 Việt Nam mới tăng trưởng hơn 7,09%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Các chỉ tiêu đạt cao, thu ngân sách hơn 2 triệu tỷ…”, ông Mẫn nói.
Nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cho kinh tế - xã hội phát triển, Chủ tịch Quốc hội nêu, tới đây Quốc hội sẽ thảo luận đề án năm nay tăng trưởng trên 8%, tạo tiền đề giai đoạn sau 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số. Có như thế năm 2030 mới đạt mức thu nhập trung bình cao, 2045 trở thành nước thu nhập cao.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội thì tại Kỳ họp bất thường này, ngoài các vấn đề về tổ chức bộ máy thì các vấn đề cho năm 2030, 2035 như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phải quyết chủ trương để đón nhà đầu tư. Hay điện hạt nhân, vừa rồi quyết chủ trương, lần này quyết cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo ngay kỳ họp này phải trình nghị quyết riêng tháo gỡ cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nếu chờ sửa luật tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) thì sẽ lâu.
“Nói chung, chúng ta muốn phát triển năm nay và các năm tiếp theo phải tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các đồng chí đi Singapore xuất nhập cảnh có 10 giây, không phải làm thủ tục gì hết, có hệ thống nhận dạng con người, đi qua thôi, chứ không phải đóng dấu”, Chủ tịch Quốc hội trao đổi tại tổ.