Chủ tịch Quốc hội: Làm rõ cách thức định giá đất để tránh cán bộ sợ sai, không dám làm

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần quy định cả về nội dung, phương pháp xác định giá đất và trường hợp điều kiện áp dụng từng phương pháp tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Sáng 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Điều hành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa các cơ quan. Chất lượng dự án luật đã được nâng lên một bước rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn 22 nội dung còn có phương án khác nhau, cần xin ý kiến…

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu một số vấn đề như về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Điều 28, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chọn phương án 1: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần viết lại cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến loại đất thực hiện nhà ở thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất cao giữ như phương án pháp luật hiện hành gồm đất ở, đất khác không phải đất ở, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp và nhận chuyển tiền sử dụng đất ở thông qua thỏa thuận để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Còn những trường hợp khác sẽ thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu thống nhất cao được vấn đề này thì không nên nêu hai phương án để báo cáo Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, qua tổng hợp các ý kiến của các cơ quan, có sự thống nhất cao với phương án 1 đối với quyền và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

Đây là một bước đổi mới mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Nghị quyết 36 nhằm thu hút sự đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cả kiều hồi và đầu tư, tham gia đóng góp để phát triển đất nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá.

Về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, chỉ còn một hoặc hai ý kiến băn khoăn có nên quy định thẳng áp dụng khoản 2 Điều 14 Hiến pháp cho phép đối với trường hợp đã giao đất lần hai thì cấm chuyển nhượng.

Nêu quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, trường hợp người dân muốn chuyển đi nơi khác sinh sống cần cho họ được chuyển nhượng, nếu cấm thì cứng quá. Do đó, cần nghiên cứu thêm để quy định cho đầy đủ và chặt chẽ hơn để hạn chế tối đa chuyển nhượng như hiện nay, không cấm tuyệt đối vì như vậy sẽ không phù hợp với thực tiễn.

Làm rõ thêm về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, trong việc cấp đất lần 2 cho đồng bào dân tộc, nếu để tiếp tục xảy ra tình trạng chuyển nhượng, mua bán, thì sẽ khó khăn cho sinh kế của đồng bào. Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấm nhận chuyển nhượng đất của đồng bào dân tộc đã cấp lần 2, để đảm bảo công bằng, bình đẳng, đảm bảo sinh kế cho đồng bào.

Đơn vị sự nghiệp công không được thế chấp, chuyển nhượng đất đai

Một vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau được Chủ tịch Quốc hội đề cập là quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm (Điều 34).

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định mở nhưng phải có kiểm soát. Đơn vị sự nghiệp công lập dù tự chủ đến mấy thì vẫn là đơn vị công, không phải là doanh nghiệp nên không thể cho thế chấp hay chuyển nhượng bởi rất rủi ro.

“Cho thế chấp rồi đi kinh doanh thua lỗ, ngân hàng siết nợ mất cả bệnh viện, trường học thì sao?… Mở toang rồi lấy gì kiểm soát?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước đã khẳng định đối với lĩnh vực y tế và giáo dục thì nguồn lực nhà nước vẫn là quan trọng nhất, vẫn là vai trò chủ đạo. Do đó, thống nhất chọn phương án không cho phép thế chấp, chuyển nhượng, không đưa ra nhiều phương án.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 16/11.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 16/11.

Liên quan đến đề xuất của Ủy ban Kinh tế là chưa thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành và cho rằng, việc này là thực hiện theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị, trong đó đã nêu rõ, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH và Chính phủ cũng đồng tình, nhất trí chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp này.

Về quy trình, cách làm, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại 4 kỳ họp, mà chỉ có quy trình tại 1 kỳ họp, 2 kỳ họp, 3 kỳ họp.

Tuy nhiên, khoản 6 Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Trong trường hợp dự án luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của UBTVQH.

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị trong báo cáo của UBTVQH trình Quốc hội sắp tới cần báo cáo rõ quy trình tiếp theo đối với dự án luật này để có căn cứ thống nhất cho các cơ quan thực hiện.

Phương án định giá đất phải được công khai, minh bạch

Phương pháp tính giá đất là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội cho là khó nhất của dự thảo luật. Vấn đề này hiện có 2 phương án. Phương án 1 quy định tại luật về nội dung định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp điều kiện áp dụng từng phương pháp. Đây là phương án Chính phủ đề xuất.

Phương án 2 là quy định cả về nội dung, phương pháp xác định giá đất và trường hợp điều kiện áp dụng từng phương pháp để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Ủy ban Kinh tế đề xuất chọn phương án 2.

Ủng hộ phương án 2, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu không luật hóa trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp mà lại để tận 4 phương pháp thì cơ quan kiểm toán, thanh tra lại hỏi sao không chọn phương pháp kia mà lại chọn phương pháp này, nếu phương pháp khác cao hơn chỉ 1 đồng là “chết” rồi. Vì thế, nội dung này càng công khai, minh bạch càng tốt. Không quy định thì bên dưới lại sợ sai, không dám làm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-tich-quoc-hoi-lam-ro-cach-thuc-dinh-gia-dat-de-tranh-can-bo-so-sai-khong-dam-lam-139579.html