Chủ tịch Quốc hội: Nếu bỏ HĐND cấp xã thì Nhân dân làm chủ chỗ nào?
Đề cập đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: 'Hiện nay, không thể bỏ Hội đồng Nhân dân cấp xã'.
Sáng 13-2, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và khẳng định rằng: “Hiện nay, không thể bỏ Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp xã”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vừa qua hệ thống đã không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường một số nơi ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng. Những nơi có chủ trương thí điểm thì tiếp tục, sau đó tổng kết để xem xét có nhân rộng được hay không?. “Muốn nhân rộng ra thì cũng phải sửa Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Mẫn cho biết họp về dự luật này ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông cũng nêu ý kiến rằng ở địa phương dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thực hiện. Vậy thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân ở đâu? Chính là ở HĐND.
“Như vậy, bỏ HĐND thì Nhân dân làm chủ ở chỗ nào? Ngoài Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thì Nhân dân phát huy quyền làm chủ ở đâu?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Theo ông, Nhân dân là sức mạnh thực hiện các đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở, địa phương. Thông qua tổ chức HĐND, Nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình, Nhân dân giám sát hoạt động của HĐND, UBND.
Về ý kiến UBND chưa thể theo chế độ thủ trưởng được, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: UBND là do HĐND bầu, đó là chế độ tập thể. Chủ tịch UBND ban hành quyết định trên cơ sở ý kiến tập thể. Việc có thể làm là tăng quyền cho Chủ tịch UBND trong các quyết định về kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
“Tôi thấy lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ thì làm sao phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ chỉ đạo, điều hành trực tiếp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51465575/d319a035907b7925206a.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội thông tin: Hiện nay, để đẩy nhanh công việc, Quốc hội đã đổi mới tư duy làm luật, giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì Thường vụ Quốc hội một tháng có thể họp nhiều phiên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ủy quyền lại cho Chính phủ nhiều thẩm quyền.
“Quốc hội thời gian tới sẽ không quản lý danh mục đầu tư. Chính phủ cũng không quản lý danh mục đầu tư nhằm hạn chế tối đa việc xin - cho. Chính từ xin - cho dẫn tới xảy ra một số vụ việc tiêu cực, phải xử lý nhiều cán bộ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Với các địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải chủ động, quyết liệt, dám chịu trách nhiệm. Vì cùng trên một nền tảng hệ thống pháp luật như vậy, có nhiều địa phương làm tốt. Cho nên, theo Chủ tịch Quốc hội, không nên đổ cho luật, nghị định, thông tư mỗi khi không làm được việc.
“Nhiều địa phương chủ động, sáng tạo, căn cứ vào luật, nghị định, thông tư triển khai rất tốt, ngược lại có những địa phương chưa làm đã than khó”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Vậy khi phân cấp, phân quyền mạnh cho Chính phủ, địa phương thì Quốc hội làm gì? Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói Quốc hội sẽ giám sát Chính phủ, bộ, ban ngành trong việc ban hành Nghị định, thông tư nhằm bảo đảm hợp hiến, hợp luật.
Ở địa phương, HĐND cũng sẽ thực hiện chức năng giám sát với các cơ quan do mình bầu ra.
Làm rõ hơn mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương
Dự luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung lần này nhắm tới hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương; hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ.
Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương.
Dự luật này đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thảo luận tổ về các dự luật và nghị quyết liên quan đến tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương. Ảnh: QH
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng có sự điều chỉnh về mặt bố cục để phù hợp hơn với trật tự quy định về nội dung liên quan đến chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013.
Dự luật này được đánh giá là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; thể chế hóa kịp thời các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.