Chủ tịch Quốc hội: 'Nhà khoa học loay hoay hóa đơn chứng từ thì còn làm được gì'

'Luật có giữ được như tinh thần Nghị quyết 193 của Quốc hội hay không, để nhà khoa học tập trung nghiên cứu, sáng tạo, còn loay hoay thanh toán hóa đơn chứng từ thì không làm gì được hết!' – Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề khi cho ý kiến về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sáng 15/4, tiếp tục chương trình phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, cần làm gấp và làm sớm để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc ngày 5/5 tới).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Liên quan lĩnh vực này, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 193 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn cho biết bây giờ Chính phủ vẫn chưa hướng dẫn hết và địa phương đang trông chờ.

“Các địa phương đang triển khai quyết liệt. Cách đây 2 ngày tôi đi Bắc Ninh, có diễn đàn chính sách về lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các nhà khoa học kỳ vọng luật này và Luật Công nghiệp công nghệ số” – Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Ông nêu quan điểm cho rằng, dự luật lần này đừng tham vọng quy định quá rộng mà nên chốt lại những vấn đề có thể sửa đổi ở Luật KHCN hiện hành để sau khi Quốc hội thông qua là có thể triển khai được.

Tuy vậy, ông thấy “dự thảo rất mênh mang, nhiều thứ, có những cái chưa có đánh giá tác động”. Nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư, cơ chế tài chính, nguồn vốn, phân bổ vốn, cơ chế tự chủ, khoán chi, ưu đãi thuế, tín dụng, phát triển nguồn nhân lực, chính sách cho nhà khoa học…

“Như theo Nghị quyết 193 của Quốc hội, chính Bộ KHCN đề xuất về việc hóa đơn chứng từ nếu cứ làm theo quy định thì không thể nào nhà khoa học thực hiện được nên phải bỏ. Luật này có giữ được như tinh thần Nghị quyết 193 hay không, để nhà khoa học tập trung nghiên cứu, sáng tạo, còn loay hoay thanh toán hóa đơn chứng từ thì không làm gì được hết!”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

Nhấn mạnh “luật này không đơn giản đâu, phải làm nhiều cuộc”, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa cho rằng, nội dung gì cần sửa để thực hiện cho giai đoạn mới thì sửa cho rõ, UBTVQH, Quốc hội sẵn sàng ủng hộ. Lãnh đạo Quốc hội sẽ cùng với lãnh đạo Chính phủ và UBTVQH có thể làm việc ngoài giờ để làm sáng tỏ vấn đề, tháo gỡ khó khăn vì không thể không tháo gỡ.

“Đừng đưa nhiều quá, chỉ sửa những gì xã hội cần, nhà khoa học cần, sửa để thực hiện ngay được. Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ, bộ ngành thì không đưa vào luật”, ông Trần Thanh Mẫn đồng thời lưu ý thêm Luật Công nghiệp công nghệ số cần xây dựng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay để triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng dẫn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư Tô Lâm: Trong mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, kinh tế tư nhân (gồm cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thách thức lớn nhất khi xây dựng luật này là cả xã hội kỳ vọng và để phạm vi rộng quá thì khó khả thi. Do đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, nghiên cứu đề xuất với Quốc hội những vấn đề thực sự rõ, khả thi, còn vấn đề khác thì có cơ chế dùng nghị định của Chính phủ trong thời gian ngắn cho linh hoạt.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo giải trình tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo giải trình tại phiên họp

Trước ý kiến băn khoăn về tên gọi của dự án luật, rằng nên để Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) hay Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tên gọi như đề xuất nhằm truyền đi thông điệp mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo vì hiện đóng góp cho tăng trưởng thì 60% là đổi mới sáng tạo, 20% chuyển đổi số và KHCN 15%.

Đề cập cơ chế sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết “hiện nay nhà nhà làm quy định về sandbox” và ông đề xuất nên có quy định nguyên tắc làm sandbox ở Việt Nam, rồi giao Chính phủ ban hành nghị định khung để thống nhất trên toàn quốc.

Ngay sau chiều nay, Bộ KHCN sẽ làm việc trực tiếp với các bộ ngành, cơ quan của Quốc hội về các quy định cụ thể, rà soát, giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo đảm bảo chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội thông qua.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-nha-khoa-hoc-loay-hoay-hoa-don-chung-tu-thi-con-lam-duoc-gi-post1192060.vov