Chủ tịch Quốc hội: Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hải Phòng tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Quốc hội sẽ ủng hộ Hải Phòng phát triển, nhưng phải có đủ điều kiện, đủ cơ sở, đủ quy trình, thủ tục đánh giá các tác động để phát triển.
Chiều 18-12, tiếp tục chương trình làm việc tại Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nghe báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng hưởng lợi từ chính sách
Báo cáo tại cuộc làm việc, lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết số 35, Hải Phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để triển khai thực hiện.
Từ khi có Nghị quyết 35, Hải Phòng được áp dụng thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù. Nhờ đó, trong 2 năm 2021 và 2022, thành phố đã được Trung ương phân bổ thưởng vượt thu theo cơ chế đặc thù trên 2.700 tỉ đồng.
Về chuyển đổi đất lúa đối với dự án có diện tích trên 10 ha đến 500 ha, thành phố đã chủ động thực hiện được 15 dự án với tổng diện tích trên 740 ha, không phải trình Chính phủ.
Việc chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức đã được HĐND thành phố ban hành Nghị quyết với mức trung bình mỗi cán bộ, công chức được tăng thêm 26 triệu/người/năm, với tổng mức chi trên 1.000 tỉ đồng/năm, cho trên 38.000 cán bộ, công chức…
Chính nhờ những kết quả này, Hải Phòng có thêm nguồn ngân sách bổ sung cho chi đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng mức thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha đến dưới 500ha từ 6-9 tháng xuống còn 1-2 tháng và đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Nhờ vậy, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố năm 2024 tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm 2023 và vượt Kế hoạch được giao.
Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hải Phòng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những kết quả mà Hải Phòng đã đạt được trong thời gian qua. Hải Phòng đã đạt được kết quả ấn tượng mà có ít địa phương nào đạt được trong 10 năm, đó là tăng trưởng 2 con số.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu TP Hải Phòng cần rà soát kỹ các cơ chế, chính sách đã có trong Nghị quyết số 35 để sửa đổi, bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Quốc hội sẽ ủng hộ Hải Phòng phát triển, nhưng phải có đủ điều kiện, đủ cơ sở, đủ quy trình, thủ tục đánh giá các tác động để phát triển. Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hải Phòng tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội, lưu ý Hải Phòng cần xem xét tổng kết các nghị quyết của TP.HCM, Đà Nẵng về thực hiện cơ chế đặc thù để rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung việc sơ kết Nghị quyết số 35 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp với thành phố Hải Phòng trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 của Quốc hội, bảo đảm các chính sách phù hợp với định hướng phát triển, tiềm năng, lợi thế cũng như khả năng thực hiện của thành phố Hải Phòng.
Người đứng đầu Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ tạo cơ chế ủy quyền cho Chính phủ, các bộ ngành để thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội để rút ngắn thời gian, trên cơ sở không có lợi ích nhóm, chống tham nhũng, tiêu cực, vì cái chung.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Hải Phòng cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, bộ máy cán bộ, công chức cũng phải tiếp tục nâng lên về trình độ học vấn, trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngoại ngữ, tin học và chuyển đổi số, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.