Huy động hơn 173.000 tỷ đồng qua kênh cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp năm 2024

Nhìn lại năm 2024, ngành chứng khoán đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025 đã được Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu ra tại Hội nghị tổng kết vừa qua, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ KRX.

Huy động hơn 173.000 tỷ đồng qua kênh cổ phiếu và TPDN, lượng tài khoản vượt mục tiêu

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 chiều ngày 18/12, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 7,085 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm trước; tương đương 69,3% GDP ước tính năm 2023.

Dù có nhiều biến động tại một số thời điểm do tác động từ tình hình địa chính trị thế giới, nhưng nhờ sự hỗ trợ vững chắc từ nền tảng kinh tế vĩ mô, cùng với việc triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, ngành chứng khoán đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, VN-Index vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cuối năm 2023. Tính đến ngày 16/12/2024, VN-Index đạt 1263,79 điểm, tăng 11,8% so với cuối năm trước. Trong khi đó, HNX-Index đóng cửa ở mức 227,04 điểm, giảm 1,7% so với cuối năm trước. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tăng trưởng khá với dòng tiền vững chắc từ các nhà đầu tư trong nước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 21.225 tỷ đồng, tăng 20,7% so với bình quân năm trước nhờ sự đóng góp của các nhà đầu tư trong nước, bất chấp việc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán ròng.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư đến nay đã chính thức vượt mục tiêu Chính phủ đề ra với 9,15 triệu tài khoản lũy kế từ đầu năm, tăng thêm 1,86 triệu tài khoản trong năm. Con số trên tương đương khoảng 9% dân số, đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025 và đang hướng đến con số 11 triệu tài khoản vào năm 2030 được đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023.

Năm 2024, TTCK phái sinh tiếp tục phát huy vai trò phân bổ vốn và phòng ngừa rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trước bối cảnh thị trường cơ sở biến động mạnh, TTCK phái sinh đã phát huy vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tiếp tục có sự tăng trưởng, đạt 1.819.961 tài khoản tại thời điểm cuối tháng 11, tăng 343.441 tài khoản so với cuối năm ngoái.Thị trường trái phiếu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11.542 tỷ đồng, tăng 77,1% so với bình quân năm trước. Nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng đạt 1.417 tỷ đồng. Quy mô niêm yết tiếp tục đà tăng trưởng với 466 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.304 nghìn tỷ đồng, tưang 13,5% so với năm 2023, tương đương 22,5% GDP ước tính năm 2023.

Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2024, tổng mức huy động vốn qua chào bán cổ phiếu và chào bán trái phiếu của công ty đại chúng là 173.052 tỷ đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2024, huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ ước đạt 323 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hoạt động kinh doanh của hầu hết các công ty niêm yết và công ty đăng ký giao dịch quy mô lớn đạt kết quả khả quan trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới có những dấu hiệu phục hồi tích cực.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025: Đẩy nhanh tiến độ KRX, xây dựng các chỉ số mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao thị trường chứng khoán trong năm 2024 khi đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên mặc dù tình hình kinh tế và căng thẳng địa chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều yếu tố bất định gây ảnh hưởng tới thị trường.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao công tác giám sát và xử lý vi phạm trong năm qua đã được ngành Chứng khoán tăng cường mạnh mẽ, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật thị trường, nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với đó là những nỗ lực trong việc xây dựng các nội dung về sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán đã được Quốc hội thông qua, bên cạnh những giải pháp được triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch, hiệu quả và bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chủ yếu trong hệ thống tài chính quốc gia và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị ngành Chứng khoán tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Nhiệm vụ đầu tiên là tập trung hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán trong Luật số 56/2024/QH15; triển khai đồng bộ các giải pháp được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng đó, UBCKNN cần tiếp tục tổ chức vận hành thị trường hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường giao dịch chứng khoán; sớm triển khai các dự án công nghệ thông tin khác nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng thị trường chứng khoán phát triển theo hướng hiệu quả, hiện đại, ngày càng tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế cao nhất. Trong đó, tập trung xây dựng các chỉ số mới, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư đầu tư vào chỉ số; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, trái phiếu cơ sở hạ tầng; tái cấu trúc nhà đầu tư thông qua việc phát triển các định chế quỹ, từng bước tăng quy mô, tiềm lực tài chính cho các công ty quản lý quỹ nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức vào thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, UBCKNN cần sắp xếp lại khu vực thị trường, phân bảng công ty niêm yết phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường; nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ các-bon thứ cấp, thị trường giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

UBCKNN cần tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nâng cao hình ảnh vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm 2025; tổ chức thành công Hội nghị Tiểu ban Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRC) - IOSCO; tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế như Hội đồng phân loại tài chính bền vững ASEAN, Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu UBCKNN cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững. UBCKNN cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đầu tư minh bạch, tuân thủ pháp luật và phòng tránh các rủi ro, hiện tượng lừa đảo trên thị trường, khuyến khích các nhà đầu tư hướng đến đầu tư dài hạn, góp phần ổn định và phát triển thị trường bền vững.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/huy-dong-hon-173000-ty-dong-qua-kenh-co-phieu-va-trai-phieu-doanh-nghiep-nam-2024-d232972.html