Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp

Chiều nay, 1.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp về kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng dự và chủ trì cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển; Thường trực các Ủy ban Pháp luật, Tư pháp, Đối ngoại; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp… tham dự cuộc làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội Khóa XV đã đi được hơn nửa nhiệm kỳ với 7 kỳ họp thường lệ và 7 kỳ họp bất thường. Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc khá lớn trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại. Đây là dịp để Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng ngồi lại với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước hết để lắng nghe, chia sẻ, đồng thời, đánh giá về chất lượng, tiến độ công việc trên cơ sở các kế hoạch đã ban hành và những việc đột xuất, phát sinh, xem những việc nào đã làm được, việc nào chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; những định hướng lớn của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc hết sức quyết liệt, có những đơn vị làm việc cả ban đêm, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, nhất là vào thời điểm diễn ra các kỳ họp của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội hết sức chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

“Tôi đề nghị các đồng chí báo cáo gọn, rõ, tập trung vào những việc đã làm được và kết quả ấn tượng nhất của từng đơn vị, những việc chưa làm được còn phải băn khoăn, trăn trở, những kiến nghị, đề xuất...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, có những sáng kiến, đề xuất để tiếp tục đổi mới các hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...

Tiếp đó, các đại biểu đã nghe Thường trực và Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo về các hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã thực hiện hiệu quả, đạt chất lượng tốt các nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác. Thường trực Ủy ban Tư pháp luôn chủ động đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phối hợp từ sớm với các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan để làm tốt công tác chuẩn bị, nắm bắt được nội dung công việc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì thẩm tra và tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện trình thông qua 3 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh, 4 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao (94,25%), đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Hiện nay, Thường trực Ủy ban Tư pháp đang tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám; đồng thời, đang phối hợp chuẩn bị 1 dự án pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng báo cáo cụ thể về những kết quả nổi bật của Ủy ban trong công tác giám sát; việc thẩm tra các Tờ trình, Đề án khác thuộc lĩnh vực tư pháp; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; và một số công tác khác.

Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, cùng với việc đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Ủy ban Tư pháp rtham gia nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là tham mưu xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thể chế hóa các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thành pháp luật của Nhà nước.

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp được phân công tham gia Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Nhìn chung, các công tác này được Ủy ban Tư pháp thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tốt, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng báo cáo cụ thể về nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ của Ủy ban; một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Ủy ban và kiến nghị để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, khối lượng công việc được giao của Ủy ban Pháp luật là rất lớn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên thuộc lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Pháp luật còn được giao thực hiện nhiều công việc quan trọng, đột xuất khác. Tuy nhiên, kế thừa và phát huy truyền thống qua nhiều nhiệm kỳ, Thường trực Ủy ban và Vụ Pháp luật luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, duy trì kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, quyết liệt triển khai và cơ bản hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần tích cực vào các thành tựu chung của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Một trong những kết quả công tác nổi bật của Ủy ban Pháp luật là tham mưu xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trình Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 19-KL/TW, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc thực hiện; tổ chức thành công 24 phiên họp toàn thể của Ủy ban; tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm; đã chủ trì, trình thông qua 6 luật, 1 pháp lệnh, nhiều nghị quyết quy phạm và hiện đang chủ trì 2 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Phối hợp hiệu quả với các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với tất cả các luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm được thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Pháp luật luôn đặt yêu cầu cao về chất lượng, rõ chính kiến, không ngại va chạm, kiên trì thuyết phục, xử lý hiệu quả các vấn đề khó, được các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan ghi nhận và đánh giá cao.

Trong công tác giám sát, Ủy ban Pháp luật đã và đang chủ trì tham mưu, phục vụ 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp phục vụ một Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng; có nhiều đổi mới trong thẩm tra các báo cáo thường niên của Chính phủ thuộc lĩnh vực phụ trách; hoàn thành tốt nhiệm vụ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính; tổ chức thành công 3 phiên giải trình; thực hiện nền nếp công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về giám sát.

Ủy ban đã tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các nghị quyết về phân loại đô thị, về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã của 11 tỉnh, thành phố; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đối với 3 tỉnh; đang tích cực đôn đốc hoàn thiện hồ sơ đối với 50 địa phương còn lại để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Ủy ban Pháp luật cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ về tham mưu, giúp đại biểu Quốc hội chuẩn bị các tờ trình Bộ Chính trị về công tác lập pháp tại các kỳ họp; tham gia xây dựng các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết về Nhà nước pháp quyền, về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; thực hiện các nhiệm vụ về rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giúp đại biểu Quốc hội phối hợp biên soạn, xuất bản cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ và đề xuất, kiến nghị.

Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, VPQH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được kết quả rất tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào thành công của Quốc hội, được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trong đó, nổi bật là tham mưu, phục vụ tổ chức: 14 kỳ họp Quốc hội, 65 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gần 7.500 cuộc họp, hội nghị, các cuộc làm việc, cuộc tiếp khách quốc tế. Tham mưu Quốc hội thông qua 43 luật, 142 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 pháp lệnh, 48 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, VPQH đã chủ trì tham mưu trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 25 nghị quyết về: nội quy kỳ họp Quốc hội; hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội; nghị quyết chung của các kỳ họp Quốc hội, nghị quyết về hoạt động chất vấn…

Tham mưu trình Đảng đoàn Quốc hội thông qua Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, ban hành 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động giải trình và hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Đến nay, VPQH đã hoàn thành 17/19 nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội giao chủ trì thực hiện.

Tham mưu tổ chức 6 phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và 5 phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu, phục vụ 6 chuyên đề giám sát của Quốc hội và 6 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu tổ chức hoạt động “giám sát lại” tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV.

Tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội triển khai các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương và hợp tác quốc tế, bảo đảm trọng thị, chu đáo, thiết thực, hiệu quả (đã phối hợp tham mưu việc ký 19 thỏa thuận hợp tác quốc tế giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện một số nước; VPQH đã ký 9 thỏa thuận hợp tác quốc tế với Văn phòng Nghị viện một số nước).

Công tác hoàn thiện thể chế, quy định nội bộ được đẩy mạnh, trong đó, đã ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền khoảng 19 quy chế, quy định. Văn phòng tiến hành hợp nhất 107 văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Thực hiện tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho thôi giữ chức vụ và chuyển đổi chức vụ cho 365 trường hợp; xử lý khoảng 923.000 văn bản đến, ban hành khoảng 58.000 văn bản đi, in sao khoảng 25,5 triệu trang tài liệu; tổ chức gỡ băng hơn 54.000 trang văn bản.

Tiếp nhận và trả lời 805 yêu cầu cung cấp thông tin của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; tổ chức truyền thông cho hơn 3.000 sự kiện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; công bố 484 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức tiếp đón, hướng dẫn 1.400 đoàn với hơn 35.000 lượt khách tham quan Nhà Quốc hội, 16 cuộc triển lãm chuyên đề.

Thực hiện đổi mới xe ô tô, bảo đảm phương tiện phục vụ khoảng 12,8 triệu km chạy xe cơ bản an toàn; Đảng ủy cơ quan VPQH tuyên truyền, triển khai thực hiện 265 văn bản của tổ chức đảng cấp trên, phối hợp tổ chức 33 hội nghị quán triệt các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng…

Để đạt được những kết quả nổi bật trên, VPQH đã có những sáng kiến đổi mới hoặc lần đầu tiên áp dụng hiệu quả. Cụ thể, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, năm 2022, VPQH đã tham mưu, phục vụ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội (đến nay đã tổ chức 7 kỳ họp bất thường). Đây là những kỳ họp chưa có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội từ trước đến nay.

Tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nhiều nội dung, đề án quan trọng về quy trình, thủ tục như lần đầu tiên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ phiên họp tháng 3.2022); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn quy trình tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND…

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức một số phiên họp, hội nghị quan trọng như: Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 đợt nghỉ của kỳ họp Quốc hội; Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ; Hội nghị phối hợp công tác với Chủ tịch nước…

Lần đầu tiên tham mưu, phục vụ tổ chức giao ban hàng tháng của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội; giữa Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội. Lần đầu tiên tham mưu Tổng Thư ký Quốc hội ban hành: Quy chế phối hợp công tác giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc UBTVQH; Quy định thống nhất về việc lập biên bản kỳ họp Quốc hội, biên bản phiên họp, hội nghị, cuộc họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội; Chương trình công tác năm 2024 của Ban Thư ký…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và nguyên nhân; nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

*Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc...

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-lam-viec-voi-uy-ban-phap-luat-uy-ban-tu-phap-uy-ban-doi-ngoai-van-phong-quoc-hoi-va-vien-nghien-cuu-lap-phap-i382941/