Chủ tịch Sacombank trần tình về xử lý nợ xấu

Sacombank xác định, năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu. Hiện nay, Sacombank đã cơ bản xử lý nợ xấu, còn khoản duy nhất của ông Trầm Bê.

Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023.

Bán đấu giá cổ phần ông Trầm Bê

Trong phần trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank - cho biết, Sacombank đang tái cơ cấu, hiện nay đã cơ bản xử lý nợ xấu, còn khoản duy nhất của ông Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank). Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.

“Chúng tôi phấn đấu trong năm nay giải quyết xong việc này, và sau đó mới chia cổ tức. Tôi là cổ đông lớn nhất của Sacombank, tôi cũng muốn được chia cổ tức, tâm trạng của tôi cũng như các cổ đông khác”, ông Minh nói.

Sacombank xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu.

Sacombank xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu.

Ông Minh khẳng định, Sacombank xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu, sang năm cổ đông không phải nghe chất vấn về việc chia cổ tức nữa. Sacombank đã trình phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ và đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Sacombank sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức.

“Tôi vào Sacombank cũng 6 - 7 năm nay rồi, còn điều kiện duy nhất, trong năm nay phấn đấu đấu giá cổ phần ông Trầm Bê xong. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích Sacombank chia cổ tức để tăng năng lực tài chính. Sau khi trích nốt 8.000 tỷ đồng lợi nhuận cho trái phiếu VAMC. Sacombank không có kế hoạch mua ngân hàng nào khác”, ông Minh khẳng định.

Về đấu giá nợ xấu là Khu công nghiệp Phong Phú, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị thường trực kiêm Tổng giám đốc Sacombank - cho biết, khoản nợ này bán đấu giá tài sản và UBND TPHCM có công văn ngưng đấu giá tài sản, chuyển sang đấu giá khoản nợ, đấu giá vốn và lãi. Có nghĩa là sẽ bán toàn bộ nghĩa vụ, tài sản và nghĩa vụ còn lại, triển khai dự án, bán không để mất vốn, không để mất khoản dự thu.

“Khi nào về đúng mức vốn và lãi dự thu thì dừng lại, không bán lỗ. Giá đấu lần cuối dự kiến đang có nhà đầu tư quan tâm, hy vọng năm 2023 sẽ xử lý được khoản này”, bà Diễm nói.

Nợ xấu dưới 2%

Theo Sacombank, năm 2022, ngân hàng này đã trích 8.838 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,5 lần năm trước nhưng Sacombank vẫn lãi trước thuế 6.339 tỷ đồng, tăng 44%.

Năm 2022, Sacombank thu hồi xử lý 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 12.010 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4,3%. Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.

Khu công nghiệp Phong Phú được UBND TPHCM có công văn ngưng đấu giá tài sản, chuyển sang đấu giá khoản nợ, đấu giá vốn và lãi.

Khu công nghiệp Phong Phú được UBND TPHCM có công văn ngưng đấu giá tài sản, chuyển sang đấu giá khoản nợ, đấu giá vốn và lãi.

Tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22.742 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 131%, tăng 12,4%. Tại 31/3/2023, nợ nhóm 2 của Sacombank là 4.226 tỷ đồng, so với năm trước đang giảm 1.255 tỷ.

“Trong năm 2022 và đầu năm 2023, các lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh khó khăn, con số nợ này kéo theo từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngắn hạn khiến dòng tiền chưa thu hồi kịp. Các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo. Đây là tình hình chung trong ngành về nợ xấu”, bà Diễm nói.

Sacombank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản tăng trưởng 11% so với đầu năm, lên mức 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế được Sacombank đề ra cho năm 2023 là 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-sacombank-tran-tinh-ve-xu-ly-no-xau-post1529227.tpo