Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận: Công nghệ cốt lõi ngoài tầm tay Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này phải đối mặt với nhiều hạn chế trong cuộc đua trở thành cường quốc công nghệ thế giới. Ông thừa nhận rằng khả năng đổi mới của nước này 'tương đối yếu' và các nhà khoa học đang bị quá tải.

Phát biểu tại một hội nghị quốc gia ở Bắc Kinh mới đây, ông Tập cho hay các ngành công nghiệp khoa học của Trung Quốc nhìn chung rất mạnh. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến những thách thức lớn và thúc ép các nhà lãnh đạo tập trung vào tăng trưởng công nghệ, lĩnh vực mà ông xem là “chiến trường chính của cạnh tranh quốc tế”.

“Mặc dù sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước đã đạt được những tiến bộ vượt bậc nhưng khả năng đổi mới ban đầu vẫn còn tương đối yếu”, ông Tập nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập đã đề cập đến sự đổi mới 55 lần trong bài phát biểu, đặc biệt nhấn mạnh khi thảo luận về trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học và năng lượng mới.

Theo Chủ tịch Trung Quốc, chìa khóa thúc đẩy sự đổi mới chính là việc đảm bảo Trung Quốc trở nên tự lực, đặc biệt là khi căng thẳng với phương Tây gia tăng.

“Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và cuộc đấu tranh giữa các siêu cường gắn liền với nhau”, ông Tập nói.

Dù không nêu tên Mỹ nhưng ông Tập cho biết rõ ràng Trung Quốc sẽ phải khắc phục cách "một số công nghệ cốt lõi bị người khác kiểm soát".

Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đe dọa mở rộng các lệnh trừng phạt đối với một số công ty chip Trung Quốc có liên kết với Huawei và ngăn chặn việc bán chất bán dẫn tiên tiến cần thiết để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ gọi Trung Quốc là “quốc gia đáng lo ngại” và đề xuất các quy định mới nhằm hạn chế đầu tư quốc tế vào các sản phẩm có thể được sử dụng trong “quân sự, tình báo, giám sát hoặc hỗ trợ mạng thế hệ tiếp theo gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Mỹ”.

Thiếu nhân tài

Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc đang thiếu nhân lực và tài năng hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ông nói các nhà nghiên cứu vẫn phàn nàn về “gánh nặng phi học thuật nặng nề” như vấn đề quan liêu với các loại giấy phép, bận rộn trong các báo cáo chính thức và thiếu nguồn nhân lực.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ phải cải thiện “chính sách khuyến khích” của mình, chẳng hạn như đưa ra các giải thưởng tốt hơn cho khoa học và công nghệ cũng như hệ thống trả lương công bằng hơn cho nhân viên và nhà nghiên cứu.

Trong khi Mỹ đang ở giữa thời kỳ bùng nổ công nghệ của chính mình, một phần nhờ vào những gã khổng lồ như OpenAI, Nvidia, Amazon và Microsoft, các ông chủ trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên người lao động sau khi mất khoảng 5 công ty công nghệ hàng đầu đất nước trị giá 1,3 nghìn tỷ USD kể từ năm 2021.

Chính phủ Trung Quốc đặc biệt tập trung vào phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Một báo cáo tháng 4 của Microsoft chỉ ra rằng các tài khoản mạng xã hội có liên kết với Trung Quốc đã lên kế hoạch sử dụng phương tiện do AI tạo ra để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ.

Ông Tập muốn Trung Quốc không chỉ trở thành một nước đóng vai trò lớn trong lĩnh vực công nghệ mà còn thống trị nó.

“Chúng ta phải cấp bách nâng cao ý thức của mình. Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đổi mới. Để chiếm lĩnh cuộc cạnh tranh khoa học và công nghệ cũng như sự phát triển trong tương lai", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thêm.

Vy Ba

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ong-tap-can-binh-thua-nhan-cong-nghe-cot-loi-nam-ngoai-tam-tay-trung-quoc-d112624.html