Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu xử lý dứt điểm mặt bằng đường đê biển Đông vào cuối tháng 3
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu yêu cầu đến cuối tháng 3/2024, địa phương phải giải quyết xong vướng mắc mặt bằng trên tuyến đê biển Đông.
Liên quan đến vướng mắc trên tuyến đê biển Đông, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng tuyến đê biển Đông, không để dự án bị chậm trễ.
Ông Thiều cho biết, dự án đang khởi động tốt, tuy nhiên, có một số nơi vướng giải phóng mặt bằng do người dân chưa chịu giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Do đó, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
"Điển hình như ở tuyến đê biển Đông, người dân chưa đồng tình, địa phương chưa quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng sạch", ông Thiều nói.
Cũng theo ông Thiều, tỉnh giao cho địa phương phối hợp với chủ đầu tư, đến cuối tháng 3/2024 giải phóng xong mặt bằng toàn tuyến đê biển Đông, để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng có hiệu quả, càng sớm càng tốt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến, đảm bảo an toàn.
"Đối với các yêu cầu, khiếu nại của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ quan tâm đến quyền lợi người dân, giải quyết công khai minh bạch, thấu tình đạt lý, nhất quyết không để người dân thiệt thòi.
Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện đầy đủ theo quy định mà người dân không chịu bàn giao mặt bằng thì chính quyền địa phương buộc lòng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi để triển khai dự án", ông Thiều nhấn mạnh.
Ông Thiều tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành, chủ đầu tư ngay từ đầu năm trong triển khai thực hiện các dự án, đến cuối năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% như Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Dự án Xây dựng, nâng cấp đê biển Đông cấp bách chống biến đổi khí hậu tỉnh Bạc Liêu - đoạn từ kênh Mương 1 đến kênh Huyện Kệ giai đoạn 2 (viết tắt là dự án) do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi tắt là Ban QLDA) làm chủ đầu tư.
Dự án được thực hiện tại huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, với tổng mức đầu tư của giai đoạn 2 là hơn 288 tỷ đồng (bao gồm: Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng).
Thời gian thực hiện dự án dự kiến là ba năm (từ 2021-2023), đưa vào khai thác cuối tháng 12/2023. Tuy nhiên, do tuyến đường còn vướng mặt bằng hai vị trí, với ba hộ dân chưa chịu bàn giao, nên ảnh hưởng đến việc thi công dự án.
Dự án có tổng chiều dài 13,96km (kể cả chiều dài cầu, cống); Dự án mở rộng mặt bằng với chiều rộng mặt đê 9m; Bề rộng mặt đường 8m; Bề rộng gia cố lề (2x0,5)m; Kết cấu mặt đệm hai lớp bê tông nhựa nóng (bê tông nhựa nóng C12,5 và bê tông nhựa nóng C19) trên lớp móng cấp phối đá dăm.