Chủ tịch UBND Bình Dương nêu 5 nhóm giải pháp 'gỡ khó' cho giáo dục nghề nghiệp

UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển GD nghề nghiệp, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho GD nghề nghiệp phát triển.

Là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nhiệp phát triển trong khu vực Đông Nam Bộ, nhu cầu lao động tại Bình Dương trong những năm trở lại đây cũng rất lớn. Song song với công tác giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng chiếm vị trí quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng.

Để tìm hiểu về những cơ hội, thách thức đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Bình Dương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương để trao đổi về nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông Võ Văn Minh, hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Bình Dương đã có chuyển biến tích cực và thu được những kết quả nổi bật nào trong những năm gần đây?

Ông Võ Văn Minh: Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, thời gian qua công tác đào tạo nghề tỉnh Bình Dương luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề của tỉnh.

Nhìn chung, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đang chuyển động tích cực về quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người lao động.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mộc Trà.

Việc hợp nhất các trường chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề thành một khối giáo dục nghề nghiệp rất thuận lợi trong công tác quản lý, triển khai các chính sách nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở một số ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề đã tăng lên, công tác phân luồng tốt hơn, nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn.

Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân và gia đình, từ đó góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2022 vừa qua, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được 56.590 người tham gia học nghề (trong đó cao đẳng: 1.525 sinh viên, trung cấp: 4.755 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng là 50.310 học viên) vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Các nghề thu hút đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chủ yếu tập trung vào các nhóm như: điện công nghiệp, điện tử, công nghệ ô tô, cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, kế toán, y sĩ, dược sĩ,... Công tác tuyển sinh ở một số trường hoạt động hiệu quả, duy trì được sức hút, chất lượng thí sinh đầu vào ổn định qua các năm.

Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và gắn với nhu cầu đòi hỏi thực tế của thị trường lao động.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo nhằm thích ứng với tình hình mới như tổ chức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tuyển sinh gắn với tuyển dụng.

Kết quả tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trong năm 2022 là 40.268 người (trong đó cao đẳng: 1.422 sinh viên, trung cấp: 2.990 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng là 35.856 học viên).

Hơn 90% học sinh, sinh viên, người học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó có một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật tỉ lệ học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cao, một số trường đạt tỉ lệ 100%, nhiều doanh nghiệp đồng ý tuyển dụng ngay khi học sinh, sinh viên còn đang đi thực tập.

Mức lương thu nhập trung bình của người học nghề sau khi tốt nghiệp trong khoảng từ 05 triệu đến 09 triệu đồng. Kết quả, tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm đã góp phần đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 82% (tăng 01% so với năm 2021).

Phóng viên: Công tác đào tạo nghề tại tỉnh Bình Dương có gặp thách thức nào không, thưa ông?

Ông Võ Văn Minh: Bên cạnh những kết quả tích cực, đào tạo nghề tại Bình Dương cũng gặp một số khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, số lượng người tham gia học nghề vẫn còn ít so với cơ cấu trình độ lao động của tỉnh hiện nay.

Việc phân luồng học sinh học trung học cơ sở đi học nghề còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trường nghề còn thấp, đặc biệt là các trường ngoài công lập.

Nguyên nhân do nhận thức về học nghề của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn tồn tại tâm lý sính bằng đại học, muốn có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để học lên đại học.

Bên cạnh đó, một số thanh niên còn ỷ lại, ngại khó, thiếu ý chí vươn lên, muốn đi làm ngay nên không mặn mà việc học nghề.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Thứ hai, chất lượng đào tạo một số ngành nghề ở một số trường của tỉnh còn thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu và lạc hậu; Công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp thời gian qua tuy đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, doanh nghiệp chưa thực sự chủ động tham gia hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp trong Luật Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được áp dụng vào thực tiễn, thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp.

Thứ ba, chế độ chính sách cho cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút đông đảo đội ngũ có chuyên môn giỏi về công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ nhà giáo trong khối giáo dục nghề nghiệp còn thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, thiếu nhà giáo dạy các nghề mới, nhà giáo giỏi chuyên môn kỹ thuật và có kỹ năng nghề cao.

Phóng viên: Từ những khó khăn ấy, tỉnh Bình Dương có những giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Võ Văn Minh: Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Theo đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Hai là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Ba là, tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp gắn với thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và tăng cường sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm và nhu cầu đào tạo của tỉnh; xây dựng và cập nhật dữ liệu về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.

Năm là, tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sau khi được tổ chức, sắp xếp lại; dần trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống quản lý và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý, quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực về quản lý và bảo đảm chất lượng.

Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên để phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, các trường dạy nghề từng bước đứng vững trong cơ chế tự chủ, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chu-tich-ubnd-binh-duong-neu-5-nhom-giai-phap-go-kho-cho-giao-duc-nghe-nghiep-post234876.gd