Chủ tịch UBND không nhất thiết phải là đại biểu HĐND
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là một trong 4 dự án luật được Quốc hội xem xét sửa đổi, sớm có hiệu lực để phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi .
Cơ chế hoạt động của UBND vẫn được giữ ổn định, song Chủ tịch UBND được bầu không nhất thiết phải là đại biểu HĐND, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (19/2).
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là một trong 4 dự án luật được Quốc hội xem xét sửa đổi, sớm có hiệu lực (Từ 1/3/2025) để phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phản ánh, về tổ chức và hoạt động của UBND (mục 2 Chương V) có ý kiến đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giảm bớt số lượng thành viên UBND các cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, đề cao vai trò và trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu UBND. Ý kiến khác đề nghị chỉnh lý quy định về cơ cấu tổ chức của UBND các cấp bảo đảm thống nhất.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng UBND gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên theo quy định của Chính phủ để tạo sự chủ động cho Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của UBND các cấp bảo đảm thống nhất và phù hợp với tinh thần cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Riêng đối với UBND cấp xã, UBTVQH đã bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 37 về vị trí, vai trò của công chức thuộc UBND cấp xã để bảo đảm phù hợp với tính chất của cơ quan này.
Có ý kiến đề nghị đổi mới cơ chế hoạt động của UBND theo hướng là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng để đề cao tính chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND.
UBTVQH giải trình, cùng với việc giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương, UBTVQH đề nghị trước mắt giữ ổn định cơ chế hoạt động của UBND để tránh làm xáo trộn hoạt động của UBND cũng như gây tác động lớn đến hệ thống pháp luật hiện hành, song cũng có kết hợp tăng thẩm quyền và làm rõ hơn một bước trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND. Trong thời gian tới, UBTVQH sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu và đề xuất đổi mới một cách toàn diện mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và UBND các cấp cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đề nghị làm rõ việc giới thiệu nhân sự để bầu chức danh Chủ tịch UBND tại phiên họp đầu nhiệm kỳ của HĐND có nhất thiết phải là đại biểu HĐND và quy định Ủy viên UBND là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND, cũng nhận được phản hồi.
UBTVQH cho biết, khoản 2 Điều 34 của dự thảo Luật không quy định HĐND bầu Chủ tịch UBND trong số các đại biểu HĐND nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn cũng như tạo thuận lợi cho công tác nhân sự ở địa phương, đồng thời bảo đảm sự tương đồng với quy định về bầu Chủ tịch UBND trong nhiệm kỳ. Để tránh việc hiểu khác nhau, Dự thảo luật bổ sung nội dung quy định rõ Chủ tịch UBND được bầu không nhất thiết phải là đại biểu HĐND. Dự thảo Luật không quy định cụ thể Ủy viên UBND là toàn bộ người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND nhằm tạo điều kiện để Chính phủ chủ động quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của UBND phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chủ trương tinh gọn, cải cách tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương.
Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến nêu trên và sẽ phối hợp với Chính phủ tổng kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua để có cơ sở đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp và thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Đảng về cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định việc các đảo, quần đảo là các đơn vị hành chính cấp huyện có thể có tổ chức đơn vị hành chính cấp xã để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc giao quyền cho UBND cấp huyện trực tiếp quản lý hoặc thiết lập mô hình hành chính đặc thù khác khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại các đảo, quần đảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thực tế hiện nay, có một số huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, ví dụ như: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Việc không phân chia các huyện đảo thành đơn vị hành chính cấp xã là xuất phát từ đặc điểm, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại các huyện đảo thì UBND cấp huyện sẽ trực tiếp thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn mà không cần thiết lập mô hình hành chính đặc thù để tránh phát sinh tổ chức bộ máy.
Luật vừa được thông qua quy định chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là Ủy ban nhân dân.
Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.
Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chu-tich-ubnd-khong-nhat-thiet-phai-la-dai-bieu-hdnd-d247823.html