Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Lãnh đạo tỉnh 'đau đầu' vì kiện tụng đất đai

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, lãnh đạo tỉnh này đau đầu vì trước cổng Ủy ban, Tỉnh ủy luôn có người đứng hô hào kiện tụng về đất đai.

Xử lý vi phạm còn chậm, thiếu kiên quyết

Thời gian vừa qua, tình trạng lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn biến phức tạp, trong khi công tác quản lý tồn tại nhiều bất cập, việc xử lý chưa triệt để khiến số vụ việc ngày một tăng, gây bức xúc dư luận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, tính đến ngày 31/3/2023, toàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai, trong đó còn 7.313 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, chưa xử lý triệt để. Hiện nhiều nhất vẫn là TP.Quy Nhơn còn 2.362 trường hợp, huyện Tuy Phước còn 2.027 trường hợp.

Phường Quang Trung, Tp Quy Nhơn có đến 158 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Phường Quang Trung, Tp Quy Nhơn có đến 158 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Mới đây, tại Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép do UBND tỉnh tổ chức, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn thừa nhận, TP Quy Nhơn là “điểm nóng" phức tạp của tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, nhất là ở các phường Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nhơn Bình và xã Phước Mỹ.

Theo thống kê, TP Quy Nhơn là một trong những đơn vị có số vụ vi phạm lớn. Trong 3 năm, tiến hành kiểm tra trên 4.000 trường hợp. Trong đó đã phát hiện, xử lý khoảng 1.650 trường hợp vi phạm.

Ông Nam cho biết, nguyên nhân của tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai kéo dài là tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở, đất ở của người dân tăng cao, nhất là đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn; Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể phường, xã chưa quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng nể nang, đùn đẩy trách nhiệm, không duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết các đối tượng vi phạm.

“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế lớn mà chúng tôi đang bị vấp phải. Tình trạng lấn chiếm, đào núi, san lấp mặt bằng đất nông nghiệp; sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp trên địa bàn", ông Nam cho hay.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đưa ra những nguyên nhân cơ bản của tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép đầu tiên là sự quản lý không nghiêm của chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện. Có tình trạng quen biết, cả nể, quan hệ hàng xóm láng giềng… dẫn đến việc làm ngơ trong xử lý rồi việc xử lý không công bằng, dẫn đến bất bình đẳng, không giải quyết được.

UBND các huyện không có đội quản lý trật tự đô thị, đội hình cán bộ mỏng, do đó công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn còn nhiều khó khăn…

Nhận thức và ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật về trật tự xây dựng chưa nghiêm; tốc độ đô thị hóa tại một số địa phương nhanh, không gian đô thị mở rộng, hoạt động đầu tư xây dựng ngày càng nhiều.

Ông Tuấn nhấn mạnh, từ tình trạng lấn chiếm đất đai và việc quản lý không nghiêm của chính quyền dẫn đến các vụ việc kiện tụng kéo dài từ năm này qua năm khác. Lãnh đạo tỉnh ngày nào cũng phải đau đầu vì trước cổng Ủy ban, Tỉnh ủy luôn có người đứng hô hào kiện tụng, rồi kéo nhau ra Trung ương, mất hết hình ảnh của tỉnh.

Giải pháp nào cho việc “bằng móng tay nhưng 3 năm không giải quyết xong”?

Về giải pháp chống lấn, chiếm, xây dựng trái phép, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn "hiến kế": “Cần quán triệt trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm người đứng đầu trong chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Xem đây là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá xếp loại cán bộ hằng năm cũng như đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đặc biệt, xử lý trách nhiệm kỷ luật tổ chức, cá nhân có sai phạm, không hoàn thành trách nhiệm được giao”.

Ông Nam cho biết thêm, hiện TP Quy Nhơn đang triển khai lắp đặt camera giám sát, xây dựng trụ mốc ranh giới hành lang cố định tại các khu vực nhạy cảm để phân chia giám sát. Đề xuất tỉnh, các Sở tổ chức mở các lớp tập huấn bồi dưỡng.

Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho hay, việc điều chuyển cán bộ thiếu năng lực cũng là một giải pháp. Huyện Phù Mỹ do buông lỏng quản lý đất đai, khi quyết định điều động một cán bộ khác về làm Chủ tịch xã, để khắc phục những tồn tại, giải quyết hậu quả, thì sự việc mới tạm ổn.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho rằng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu địa phương nào lãnh đạo có quyết tâm cao thì tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép được hạn chế, còn địa phương nào lơ là thì phát sinh rất lớn và kéo dài. Lo ngại hơn, còn có tình trạng dây dưa, cả nể trong xử lý vi phạm, do cán bộ cơ sở có quan hệ, bà con láng giềng với người dân.

Tình trạng xây nhà trái phép tại xã Nhơn Hội, Tp Quy Nhơn, Bình Định. Trong đó có nhà được cho là của cán bộ lãnh đạo hiện vẫn đang công tác.

Tình trạng xây nhà trái phép tại xã Nhơn Hội, Tp Quy Nhơn, Bình Định. Trong đó có nhà được cho là của cán bộ lãnh đạo hiện vẫn đang công tác.

Người đứng đầu tỉnh Bình Định ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, công tác quản lý chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép là nhiệm vụ của chính quyền, bắt đầu là cấp xã. Cho dù có ít người đi chăng nữa thì cũng phải làm, bằng cách phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng con người, bộ máy và trách nhiệm vận hành. Phải thực hiện trên tinh trần trách nhiệm đạo đức công vụ cao nhất, thay vì làm ngơ, thỏa thuận với vi phạm. Và nhất là kiên quyết không để xảy ra trường hợp vi phạm mới.

"Kiên quyết xử lý vi phạm theo hướng tổng rà soát, giải quyết căn cơ theo đúng quy định. Xử lý vi phạm phải công bằng, công tâm không có vùng cấm, không nhẹ người này, nặng người kia. Nhất là con em cán bộ phải gương mẫu, không được phép lợi dụng việc này", ông Tuấn kiên quyết.

Trong thời gian tới nếu các cấp lãnh đạo nhắm mắt làm ngơ, không hiểu luật đối với tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép thì phải xử lý thật nặng. Bộ máy "chân rết" chính quyền rất mạnh nhưng chỉ có điều, đang dùng để làm gì. Tất cả những sửa chữa nhỏ trong xây dựng đều biết vậy thì ngang nhiên xây nhà ở giữa bãi đất trống, thì không thể không biết được.

Tỉnh đã đào tạo cho cán bộ cấp xã và quan điểm trong chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, ngừa là chính. Nếu có vi phạm mới, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh, bao gồm bên Đảng. Vấn đề lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép, Thường trực Tỉnh ủy nói rất gay gắt về khâu quản lý và báo chí cũng đã phát hiện, rất nhiều vụ việc”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, cần phân loại, điều chỉnh một số cán bộ yếu, nếu yếu quá phải loại bỏ ngay thay vào đó là cán bộ có năng lực một cách cẩn thận. Từ nay trở đi, trước khi luân chuyển điều động cán bộ phải đào tạo, để bộ máy chặt chẽ từ dưới lên trên.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Điều đáng nói hiện nay, trường hợp chính quyền cấp xã giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân còn chậm, thậm chí lờ đi vẫn còn. Thậm chí, người dân còn phàn nàn vì "việc chỉ bằng cái móng tay nhưng 3 năm vẫn không giải quyết".

"Tôi đề nghị chấn chỉnh toàn bộ lại cách hành xử, quản lý trên địa bàn, đảm bảo giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người dân, giúp dân trong lúc khó khăn. Chính quyền chỉ mạnh khi được dân tin, nếu không thì không làm việc lớn được. Chúng tôi đã thành lập tổ kiểm tra công vụ, kể cả thường xuyên và đột xuất, đối với chính quyền cấp dưới, để xem giải quyết hết việc cho người dân hay không?", ông Tuấn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, quan điểm nhất quán của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, khi giải quyết việc cho dân thì phải có tình có lý, không nên căn ke, phải đứng về phía lợi ích hợp pháp và không để người dân chịu thiệt

Nếu không làm cương quyết tình trạng lấn, chiếm, xây dựng trái phép thì sẽ còn rất mệt mỏi. Vì vậy cần phải có quyết tâm xử lý, tôi tin tới đây sẽ giải quyết được", ông Tuấn kết luận.

Nguyễn Gia

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chu-tich-ubnd-tinh-binh-dinh-lanh-dao-tinh-dau-dau-vi-kien-tung-dat-dai-ar798964.html