Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: 'Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thương mại dịch vụ'
TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đã triển khai ký kết hợp tác trong giai đoạn mới.
Việc ký kết hợp tác diễn ra trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhân dịp này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
PV: Thưa ông, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, chiến lược trong phát triển vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Vậy, Bình Dương xác định vai trò, vị trí như thế nào trong phát triển của Vùng?
Ông Võ Văn Minh: Với sự ra đời Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, hiện nay, Bình Dương cùng các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ đang khẩn trương xây dựng các chương trình hành động để triển khai thực hiện. Bình Dương đã phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh thống nhất các định hướng quy hoạch địa bàn giáp ranh với nhau để kết nối vùng.
Trên bản đồ thì Bình Dương là trung tâm khu vực Đông Nam bộ. Nơi đó có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua, kể cả đường sắt, đường sông. Đối với đường bộ, Bình Dương có các tuyến đường bắc ngang theo hướng Đông Tây như đường Vành đai 3, đường cao tốc Vành đai 4, kể cả đường Hồ Chí Minh ở khu vực phía Bắc. Ở trục Bắc –Nam có đường Cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành. Chúng tôi rất mong các địa phương cùng với nhau thực hiện đồng bộ các tuyến đường này.
Bình Dương cũng là điểm giao thông đường sắt đi qua, đặc biệt ga Sóng Thần cũng là ga trung tâm của khu vực phía Nam và các nhánh đường sắt được tỏa đi các nơi. Chúng tôi cũng đang kỳ vọng phối hợp với các địa phương cũng như Bộ Giao thông- Vận tải để nghiên cứu tiền khả thi các dự án này để làm sao thực hiện nhanh các tuyến đường sắt.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng có 2 con sông Đồng Nai, Sông Sài Gòn bao xung quanh nên thuận lợi để phát triển đường thủy. Do đó, chúng tôi trong phối hợp vùng cùng phối hợp quy hoạch các cảng, cũng như xây dựng các cầu, xử lí nâng tĩnh không các cầu để làm sao giao thông đường thủy thuận lợi, vận chuyển hàng hóa đến các cảng ở phía Nam.
PV: Tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM đề xuất các cơ chế đặc thù riêng cho sự liên kết Vùng... Ông thấy các đề xuất này như thế nào?
Ông Võ Văn Minh: Cơ chế đặc thù mà Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất là tập trung xây dựng thể chế Vùng, mà ở đây là làm sao hình thành Hội đồng vùng, Ủy ban vùng, nơi đó có đủ cơ chế pháp luật để thực hiện công tác quy hoạch, công tác đầu tư phát triển vùng. Chúng tôi rất kỳ vọng rằng, sắp tới đây sẽ được ban hành quy định hoạt động Vùng, từ đó nâng cao hiệu quả của Hội đồng vùng, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cho vùng.
Trong thời gian chờ thể chế được cụ thể, tôi cho rằng, tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã có dịp gặp gỡ, trao đổi, tổng kết, đánh giá, ký kết phối hợp là cách để chúng ta có cơ sở hợp tác. Bên cạnh đó, định kỳ, các địa phương nên ngồi với nhau bàn cách giải quyết những vấn đề còn vướng mắc giữa các địa phương, đây cũng là cách xử lí, giải quyết nhanh các vấn đề kết nối vùng.
Liên quan đến vấn đề xây dựng quỹ phát triển hạ tầng của Vùng, chúng tôi rất ủng hộ. Làm sao có thể chế mà nơi đó huy động được nguồn lực đối đa từ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, có thể vay từ các quỹ đầu tư, ngân hàng, nguồn xã hội hóa để tạo nên nguồn lực lớn và triển khai các hạ tầng cốt lõi của vùng.
PV: Việc liên kết phát triển Vùng hiện nay còn nhiều khó khăn. Riêng với Bình Dương, thì đấy là những khó khăn gì?
Ông Võ Văn Minh: Theo tôi, vấn đề quy hoạch của Vùng đang là rào cản. Trước đây, chúng ta đã có quy hoạch nhưng nay lạc hậu và đang chờ quy hoạch vùng mới. Quy hoạch của các địa phương phải kết nối lại với nhau để hình thành một bảng khoa học, hiệu quả giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sự kỳ vọng để ra đời một quy hoạch Vùng đáp ứng nhu cầu của cả Vùng đóng góp cho sự phát triển của đất nước là rất quan trọng. Với bảng quy hoạch được duyệt thì các đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế đi theo nó sẽ cần được thực hiện.
Mặc dù là địa phương phát triển có nguồn thu lớn nhưng thật sự nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, nhu cầu cho đầu tư hạ tầng so với nguồn thu hiện có đang gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm bị chậm. Do đó, mong rằng có sự hỗ trợ của Trung ương, hay có thể chế để huy động nguồn lực thực hiện các công trình này.
PV: Là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ. Vậy, trách nhiệm của Bình Dương với Vùng như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Văn Minh: Bình Dương hiện nay có quy mô kinh tế được đánh giá đứng thứ 3 cả nước, trong đó nguồn lực lao động rất lớn, đặc biệt có 53,5% là người lao động từ các nơi đến đây làm việc. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người được đánh giá cao trong mặt bằng chung cả nước nhưng đang đối diện với vấn đề phải vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình để làm sao để mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đạt mức cao trong thời gian sắp tới.
Để làm được điều đó, Bình Dương đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề tăng năng suất lao động trong các ngành công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng thương mại dịch vụ lên, hiện nay cơ cấu công nghiệp rất lớn. Điều đó sẽ giúp tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân đầu người. Muốn làm được điều đó thì Bình Dương phải thực hiện kết nối Vùng thật là tốt.
PV: Xin cảm ơn ông./.