Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khảo sát Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo và một số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Thạch Thành

Sáng 15 -1, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi khảo sát, kiểm tra tại Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo và một số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Thạch Thành. Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, kiểm tra mô hình trồng ổi tại xã Thành Tâm.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác đã đi thăm, khảo sát một số mô hình trồng ổi giống Đài Loan lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/ha/năm và mít Thái lợi nhận đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm tại xã Thành Tâm; mô hình trồng bưởi và cam tại thị trấn Vân Du lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Tại đây, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong đoàn đã thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả.

Hiện việc trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn xã Thành Tâm và thị trấn Vân Du bảo đảm thuận lợi, chất lượng sản phẩm tốt, năng suất và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây giống phù hợp với thổ nhưỡng, nhất là đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp khó khăn.

Thời gian qua huyện Thạch Thành đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện quy hoạch vùng cây ăn quả sản xuất hàng hóa với tổng diện tích hơn 1.317 ha. Đồng thời, tiến hành phục tráng và nhân giống cây đầu dòng, xây dựng nhà lưới làm vườn ươm cây giống; triển khai xây dựng Dự án xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du (đã được cấp văn bằng bảo hộ)...

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, kiểm tra mô hình trồng mít Thái tại xã Thành Tâm.

Hiện trên địa bàn huyện Thạch Thành có 15 doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao với diện tích 477 ha, trong đó có 8 doanh nghiệp lớn với diện tích 357 ha và một số chủ trang trại đầu tư thuê đất, tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi (cam, bưởi) áp dụng công nghệ cao. Tổng diện tích cây ăn quả có múi trên trên địa bàn là 536 ha, ước sản lượng đạt 4.000 tấn quả/năm; lợi nhuận bình quân vùng cây ăn quả công nghệ cao từ 400 đến 600 triệu đồng/ha; doanh thu hơn 60 tỷ đồng/năm, góp phần nâng giá trị sản xuất 1 ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 của huyện đạt 110 triệu đồng/ha.

Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt hơn 2.510 ha, trong đó diện tích trồng tập trung 1.388 ha, sản lượng ước 38.260 tấn và tổng giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 351,5 tỷ đồng.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, kiểm tra mô hình trồng bưởi tại thị trấn Vân Du.

Huyện Thạch Thành đề nghị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư sản xuất cây ăn quả trên địa bàn như: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, hỗ trợ thiết bị công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến dứa và các loại hoa quả trên địa bàn.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, kiểm tra mô hình trồng cam tại thị trấn Vân Du.

Qua thực tế khảo sát, đồng chí Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi. Qua đó, khuyến cáo cho các doanh nghiệp, người dân trồng những loại cây gì, ở vùng đất nào cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ thực tế phát triển cây ăn quả và lấy huyện Thạch Thành làm một trong những điểm để thực hiện quy hoạch lại vùng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hướng đến xuất khẩu. Và cũng từ thực tế của các doanh nghiệp, cá nhân trồng cây ăn quả để nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho người sản xuất.

Điều quan trọng nhất của việc trồng cây ăn quả là ngành chuyên môn, chính quyền địa phương phải định hướng cho người sản xuất về chất đất phù hợp, giống chất lượng tốt, trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nhất là đầu ra của sản phẩm hiện nay đang phụ thuộc vào thương lái.

Cùng với đó thực hiện việc chuyển đổi các cây trồng không hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, rà soát lại các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh để xác định quỹ đất và tổ chức sản xuất đạt hiệu quả kinh tế.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, khảo sát tại Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo.

Năm 2021 là kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Chiến khu Ngọc Trạo. Chiến khu Ngọc Trạo được đầu tư, tôn tạo từ năm 2009, qua hơn 10 năm một số hạng mục công trình như Đài tưởng niệm, khu trưng bày, Đền thờ Tống Duy Tân đã hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan di tích, vì vậy huyện Thạch Thành đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo (gồm các hạng mục sửa chữa, cải tạo khu đài tưởng niệm, Đền thờ Tống Duy Tân, khu trưng bày và khuôn viên, xây mới nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà để xe và phòng bán vé).

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dâng hương tại Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo.

Để tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Chiến khu Ngọc Trạo, Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý để huyện Thạch Thành cải tạo, sữa chữa một số hạng mục tại khu di tích.

Về Đền thờ Phố Cát, đồng ý với việc cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt quy hoạch, kêu gọi xã hội hóa thực hiện tôn tạo.

Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/chu-tich-ubnd-tinh-do-minh-tuan-khao-sat-khu-di-tich-chien-khu-ngoc-trao-va-mot-so-mo-hinh-trong-cay-an-qua-tren-dia-ban-huyen-thach-thanh/130161.htm