Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu chỉ đạo khẩn trương thống kê những phần việc cần lực lượng hỗ trợ ngay
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê những phần việc, công trình cần lực lượng quân đội hỗ trợ ngay để xử lý kịp thời.
Tại cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh sáng 12/9, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thống kê những điểm công trình, công việc như cây xanh gãy đổ chưa xử lý, vệ sinh các trường học, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ xử lý các địa điểm xung yếu về đê điều, kênh trục Bắc Hưng Hải... cần lực lượng quân đội hỗ trợ ngay, gửi thông tin chi tiết và đề nghị bố trí lực lượng về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trước 13 giờ ngày 12/9 để xử lý.
Đối với công tác di dân, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác di dân về nơi an toàn, ưu tiên những người yếu thế, không tự làm chủ được (người già, phụ nữ có thai, trẻ em...). Tiếp tục vận động người dân tự di chuyển đến ở nhà họ hàng, người thân ở những nơi an toàn. Yêu cầu người dân chưa được quay lại nơi ở cũ cho đến khi có thông báo của chính quyền; quan tâm đến công tác hậu cần, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân phải di dời.
Đối với công tác đảm bảo an toàn đê điều, quan điểm chỉ đạo phải quyết tâm bảo vệ an toàn ở mức cao nhất cho hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh tại các công điện, thông báo đã ban hành và chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh tại hiện trường. Tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều toàn tuyến trên địa bàn tỉnh theo cấp báo động III, không để bị động, bất ngờ; thực hiện phát quang cây, cỏ triền đê để phát hiện sớm các điểm rò nước, mạch đùn, mạch sủi...; đưa ra phương án xử lý ngay từ những giờ đầu để bảo đảm khắc phục hiệu quả (giảm thời gian, tiết kiệm chi phí...), giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn. Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý, mới phát hiện, yêu cầu tổ chức thực hiện thường trực, trực ban 24/24 giờ trên đê (phải có danh sách, số điện thoại của người trực, thực hiện phân ca trực cụ thể đối với từng người, từng điểm) để theo dõi diễn biến, thông tin báo cáo kịp thời tình hình. Khẩn trương xử lý các địa điểm đê xung yếu đang hoặc chưa được xử lý,
yêu cầu xử lý hoàn thành ngay trong ngày 12/9. Theo dõi sát mực nước hệ thống Bắc Hưng Hải (đặc biệt sông Sặt qua địa bàn TP Hải Dương) và thủy triều, mực nước sông ngoài để có giải pháp xử lý linh hoạt, phù hợp thực tiễn (đóng mở cống, bơm tiêu nước...) giúp
giảm áp lực đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao đồng chí Bí thư, Chủ tịch cấp huyện, cấp xã trực tiếp chủ trì chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện nhiệm vụ trên. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm để hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật.
Về giao thông, cần phải bảo đảm giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các khu vực di dời người dân; cấm phương tiện, người dân lưu thông trên đê. Tiếp tục cấm các hoạt động giao thông đường thủy trên các tuyến thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đối với các tuyến không thuộc thẩm quyền của tỉnh, giao Công an tỉnh phối hợp Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng cảnh báo từ xa, khi các phương tiện di chuyển tới vùng nguy hiểm phải có biện pháp để bảo đảm an toàn (yêu cầu giảm tốc độ, tắt máy... tránh việc di chuyển tạo sóng vỗ vào triền đê, bờ đê gây mất an toàn).
Giao Công an tỉnh bảo đảm an ninh trật tự (kể cả trên không gian mạng); tiếp tục phối hợp các lực lượng để hỗ trợ các địa phương di dời người dân; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực di dân và trên đê; chủ động, linh hoạt trong triển khai các biện
pháp phòng chống lũ...
Đêm 11, rạng sáng 12/9, lực lượng của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12 đã có mặt tại huyện Thanh Hà để hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Nhiều lực lượng quân đội, công an sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ngày 11/9, thống kê sơ bộ (đến nay chưa đầy đủ, vẫn tiếp tục thống kê), bão số 3 làm khoảng 5.467 ha lúa bị đổ, bị ngập; khoảng 3.159 ha rau màu bị ngập, đổ gãy, dập nát; khoảng 3.163 ha cây ăn quả bị bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; nhiều công trình, biển báo phòng cháy, chữa cháy rừng bị hư hỏng; khoảng 65ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng. Hơn 388.600 con gia cầm bị chết; khoảng 360 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ; khoảng 50 lồng cá bị tràn, vỡ lồng.
Bão số 3 cũng làm hơn 20.600 công trình (nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, trụ sở, trường học, biển quảng cáo, biển hiệu… bị sập mái, tốc mái, hư hỏng, đổ); khoảng 102.000 cây xanh bị gãy, đổ.
Về giao thông: khoảng 230m dài trên đường tỉnh 394 bị sạt taluy dương; 483 biển báo hiệu, 55 cọc tiêu... bị gãy, đổ, hư hỏng… Đường sông bị gãy 8 cột, nghiêng 35 cột, đổ 25 cột báo hiệu trên bờ; hệ thống phao tiêu dưới nước bị kéo trôi 45 quả; có 2 phao thép của cầu phao Đồn trên sông Cửu An (địa phận xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ) bị trôi…
Còn theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 17 giờ ngày 11/9, toàn tỉnh có 44 sự cố về đê điều và 92 sự cố về thủy lợi. Các sự cố đã được xử lý kịp thời.