Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất nối dài metro đến các tỉnh lân cận
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được vừa có đề xuất kết nối và kéo dài các tuyến metro hiện có đến các địa phương lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, ngày 22/5, Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp liên quan đến việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trong thời gian tới. Tham dự và chủ trì phiên họp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh mở rộng địa giới hành chính với định hướng hợp nhất với một số tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương nên việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
“TP Hồ Chí Minh cần quy hoạch lại toàn diện, kết nối và kéo dài các tuyến metro hiện có đến các địa phương lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu để phục vụ phát triển liên vùng” - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đề xuất.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đề xuất nối dài metro đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa
Cũng theo ông Nguyễn Văn Được, việc mở rộng hệ thống đường sắt đô thị không chỉ phục vụ giao thông mà còn tạo đà thu hút đầu tư, phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Trước mắt, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) thuộc UBND TP tiếp tục đảm trách triển khai dự án, nhưng về lâu dài, cần nghiên cứu nâng cấp mô hình quản lý để phù hợp với quy mô phát triển.
Về nguồn lực, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời kết hợp các nguồn vốn ODA để triển khai các tuyến metro mới.
Cũng tại cuộc họp, quyền Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, đến năm 2035, TP đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 355km đường sắt đô thị, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,2 tỷ USD. Đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xây dựng thêm 155km.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh còn dự kiến xây dựng hai tuyến metro từ trung tâm TP đi Cần Giờ dài khoảng 48,7km và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 41km.
Ông Trần Quang Lâm cũng cho rằng, việc triển khai hệ thống metro có nhiều thuận lợi nhờ cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với thực tiễn TP Hồ Chí Minh và các quy định pháp luật hiện hành.
“Các nguồn vốn đầu tư cũng đa dạng như ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ODA, trái phiếu chính quyền, vốn vay trong và ngoài nước” - quyền Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết.
Theo quy định, Thủ tướng là người có thẩm quyền phân bổ vốn trung hạn cho giai đoạn 2026 - 2035, không vượt quá 209.500 tỷ đồng. Trong khi đó, HĐND TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm quyết định bố trí vốn hàng năm từ ngân sách địa phương, dựa trên các nguồn tăng thu, tiết kiệm hợp pháp.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang định hướng phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD), tập trung vào các trung tâm đô thị sôi động quanh các nhà ga metro. Mô hình này giúp tối ưu quỹ đất, giảm phương tiện cá nhân, huy động vốn từ hình thức PPP và phát triển đô thị bền vững.
Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh chú trọng đến phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao để từng bước làm chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Các yêu cầu về vật liệu xây dựng, xử lý bãi thải cũng được siết chặt, khuyến khích vật liệu thân thiện với môi trường.
Về nguồn tài chính, TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu áp dụng mô hình thu phí theo khu vực, kết hợp phát triển thương mại - dịch vụ tại các nhà ga để tạo nguồn thu duy trì và mở rộng mạng lưới metro. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia được phân cấp trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong đầu tư, xây dựng, vận hành tuyến đường sắt đô thị.
Chính quyền TP cũng khẳng định sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.
Bên cạnh đó, cũng tại phiên họp, TP Hồ Chí Minh công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) do Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Thường trực là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được.
Cùng với đó, các Phó Trưởng Ban gồm: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc.
Thành viên Ban Chỉ đạo gồm 19 người là lãnh đạo UBND TP, các ban Đảng Thành ủy, Thanh tra, lãnh đạo các sở, ban, ngành...
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là triển khai Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 188 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội phát triển mạng lưới Metro. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này.