Chủ tịch Viettel đề xuất cơ chế đặc biệt để thu hút nhân tài
Chủ tịch Viettel đề xuất hỗ trợ về nhà ở, ưu đãi về thuế thu nhập, cho phép chuyên gia công nghệ được đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế…
Tại Hội nghị Sơ kết kết quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 6 tháng đầu năm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã nêu 3 giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel. (Ảnh: Bộ KH&CN)
Theo đó, ông Thắng đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chẳng hạn như: hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi về thuế thu nhập; cho phép chuyên gia được sở hữu đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế; được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu…
Ông Tào Đức Thắng cho biết: “Viettel được tạp chí uy tín quốc tế đánh giá là một trong những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á, là lợi thế để Viettel thu hút các nhân tài về làm việc. Trong thời gian tới, Viettel sẽ đóng góp cụ thể bằng việc thu hút thêm 50 nhân tài về làm việc”.
Chủ tịch của Viettel cũng đề xuất Nhà nước áp dụng cơ chế: Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp vận hành các phòng thí nghiệm, cơ sở đo lường, thử nghiệm trọng điểm để đánh giá các sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là cơ chế tương tự như cơ chế Viettel đang đề xuất trong Đề án xây dựng nhà máy chip bán dẫn để báo cáo Chính phủ nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.
Cũng theo ông Thắng, doanh nghiệp triển khai công nghệ chiến lược là môi trường thực tiễn để đào tạo sinh viên tài năng. Trong 5 năm qua, Viettel đã thực hiện chương trình Viettel Digital Talent, mỗi năm tuyển chọn khoảng 500 sinh viên đến thực tập tại Viettel, trong đó nhiều sinh viên đạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.
Để gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời mở rộng kiến thức và tăng tính thực tiễn cho sinh viên, Chủ tịch của Viettel mong muốn có cơ chế công nhận quá trình sinh viên thực tập tại doanh nghiệp như một tín chỉ trong chương trình đào tạo.
Làm chủ hệ sinh thái 5G
Bên cạnh những đề xuất, Chủ tịch Viettel cũng cho biết, với vai trò là một nhà mạng viễn thông, Viettel xác định “Công nghệ mạng di động thế hệ sau (5G/6G)” là một trong những công nghệ chiến lược được ưu tiên đầu tư hàng đầu.
Đây cũng là 1 trong 3 công nghệ chiến lược đang được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất triển khai sớm nhằm đạt kết quả thực tiễn, đưa vào thương mại hóa và đóng góp quan trọng vào phát triển hạ tầng số quốc gia.
Trên cơ sở kinh nghiệm làm chủ công nghệ 4G, đến nay Viettel đã làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm ở tất cả các lớp mạng 5G, bao gồm: Trạm thu phát sóng gNodeB theo chuẩn ORAN; Thiết bị truyền dẫn IP; Các hệ thống tổng đài và hệ thống tính cước thời gian thực OCS 4.0.

Công nghệ mạng di động thế hệ sau (5G/6G) là một trong những công nghệ chiến lược được ưu tiên đầu tư hàng đầu của Viettel. (Ảnh: Viettel)
Các sản phẩm này được phát triển theo định hướng mở (OpenRAN, Open Network API, ONAP…), mềm hóa (SDN), ảo hóa (NFV) trên kiến trúc Cloud Native, đồng thời tăng cường ứng dụng các công nghệ AI/ML trong phân tích và xử lý dữ liệu.
Các sản phẩm do Viettel phát triển đã được triển khai với quy mô lớn trên mạng lưới của Viettel tại Việt Nam và các thị trường đầu tư, trong đó có những hệ thống trên mạng lưới sử dụng 100% sản phẩm do Viettel phát triển như hệ thống tính cước thời gian thực vOCS. Các thiết bị viễn thông 5G của Viettel cũng đã bước đầu được xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ và UAE.
Bên cạnh đó, việc làm chủ thiết bị mạng 5G của Viettel đã góp phần phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, thể hiện qua việc Bộ Quốc phòng đã giao Viettel triển khai mạng 5G dùng riêng cho lĩnh vực quân sự.
Viettel đặt mục tiêu năm 2027 có thể thương mại hóa thiết bị 5G-Advanced, triển khai theo mô hình mở, ảo hóa và có nhiều tính năng ưu việt hơn so với 5G hiện tại, như: tăng vùng phủ uplink từ khoảng 30-50% (so với downlink) lên tương đương 70-100% vùng phủ downlink; giảm độ trễ từ ~10 ms xuống ~1 ms; nâng độ chính xác định vị từ mức sai số hàng mét xuống mức hàng centimet; giảm tiêu thụ năng lượng 10-30%…
Năm 2028 - 2030, mục tiêu của Viettel là sản xuất, thử nghiệm thiết bị 6G trên mạng thực tế.