Chủ tịch VIPA: 'Dùng thuốc bảo vệ thực vật càng ít, càng tốt'

Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trước xu hướng thị trường ngày càng ưa chuộng thực phẩm hữu cơ và an toàn, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là giải pháp phù hợp.

Sáng 19/12, Diễn đàn "Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)" đã được tổ chức.

Trồng trọt theo hướng hữu cơ, tuần hoàn

Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Văn Vấn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) thông tin, IPHM là tên viết tắt của Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp.

Mục tiêu chung của Chương trình IPHM: tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Ông Đỗ Văn Vấn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật).

Ông Đỗ Văn Vấn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật).

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM. Có 70% diện tích ngô, cây công nghiệp áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích ngô, 50% diện tích cây công nghiệp áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM).

Đồng thời, lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường. Trên 80% số xã/phường có ít nhất 5 nông dân nòng cốt/xã, có hiểu biết và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM.

Ông Huỳnh Thanh Vui - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương có diện tích khoảng 114.000ha dành cho nông nghiệp, với diện tích chuyên canh lúa khoảng 75.000ha, diện tích cây ăn quả là 26.102ha và diện tích gieo trồng rau màu là 15.000ha.

Đánh giá về kết quả triển khai IPHM tại Cần Thơ, ông Vui cho biết, chương trình phù hợp với giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

"Việc ứng dụng IPHM giúp hoạt động trồng trọt thay đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, tạo ra sản phẩm an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản", ông Vui chia sẻ.

Các mô hình được triển khai đều hướng người dân sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, tập trung vào sức khỏe đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng.

Xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) chia sẻ: "Từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại là cần được phối hợp chặt chẽ".

Trong kiểm soát sinh vật gây hại cây trồng, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học có độ độc thấp. Tùy loại cây trồng, loại sinh vật gây hại mà áp dụng thuốc bảo vệ thực vật 1 lần hoặc lớn hơn 1 lần trong vụ hay trong năm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA)

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA)

"Nhìn chung, số lần dùng thuốc bảo vệ thực vật càng ít, càng tốt", Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam nhấn mạnh.

Về thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ông Sơn cho biết, điểm mạnh những loại thuốc này là có khả năng phòng trừ sinh vật gây hại nhanh nhất, hiệu quả nhất, chặn đứng trận dịch trong thời gian ngắn mà các biện pháp khác không thể thực hiện được. Tuy nhiên, do nhận thấy ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp bảo vệ thực vật khác.

Ông Sơn nhận định: "Hiện nay, xu hướng của thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm hữu cơ, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại, do đó sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp phù hợp".

Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm an toàn, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng bộc lộ một số nhược điểm như: Giá thành cao, hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn các thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thời gian bảo quản của nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngắn hơn thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

"Vì vậy, cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dựa vào tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân tại từng vùng", ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trước xu hướng thị trường ngày càng ưa chuộng thực phẩm hữu cơ và an toàn, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là giải pháp phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trước xu hướng thị trường ngày càng ưa chuộng thực phẩm hữu cơ và an toàn, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là giải pháp phù hợp.

Theo ông Trần Văn Hâu - nguyên Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, đối với những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật và giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cần có những phân bón "chuyên dụng".

Chẳng hạn, nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô lớn hiện sử dụng các loại phân bón lá. Đây là loại có chứa các hợp chất dinh dưỡng hòa tan trong nước, dùng phun lên lá giúp bổ sung các chất cần thiết cho cây trồng ở dạng dễ hấp thu.

Theo ông Hâu, cung cấp dưỡng chất qua lá tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khi gặp hạn hán, ngập úng hay sâu bệnh hại tấn công. Đặc biệt, thành phần của phân bón lá có chứa nhiều dinh dưỡng vi lượng kích thích cây ra hoa, ra lá nhanh hơn, khỏe hơn, giúp đảm bảo quá trình phát triển cho các cây trồng lâu năm.

Ngoài phân bón lá, loại phân bón Bio-Fertilizer cũng đang được nghiên cứu, phổ biến rộng cho người nông dân. "Những phân bón hữu cơ có thành phần khoáng chất đa dạng thường có giá thành cao hơn, nhưng lợi ích về lâu dài", ông Hâu chia sẻ, và khuyến nghị người nông dân cân nhắc kỹ tình hình sản xuất cụ thể để chọn đúng loại phân bón phù hợp.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-tich-vipa-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-cang-it-cang-tot-204241219113857521.htm