Chủ tịch xã bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó trường công từ MN đến THCS là hợp lý
Việc xác định rõ phạm vi tham mưu và giới hạn thẩm quyền của cấp xã là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục – đào tạo thuộc Phòng Văn hóa – Xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung hai nhiệm vụ mới mà trước đây, theo qui định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ không được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Cụ thể:
Thứ nhất, tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lí.
Thứ hai, tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời, tham mưu quyết định công nhận hoặc không công nhận hội đồng trường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục tư thục theo đúng tiêu chuẩn chức danh và thủ tục pháp luật quy định.
Phù hợp với điều kiện thực tế, tăng cường phân cấp, phân quyền
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Hứa Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (phường Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng, dự thảo này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP, quy định về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Nghị định số 143/2025/NĐ-CP, quy định về phân quyền, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. So với các văn bản hiện hành, dự thảo lần này có nhiều điểm mới và điều chỉnh quan trọng.

Cô giáo Hứa Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền. Ảnh: NVCC
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý.
“Theo ý kiến cá nhân tôi quy định này hợp lý trong điều kiện thực tế vì những điểm sau:
Thứ nhất, tại Điều 10, Chương III, Nghị định 142/2025/NĐ-CP quy định về thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, chia, tách, giải thể trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thẩm quyền về thành lập hoặc giải thể trường liên quan trực tiếp tới thẩm quyền công nhận, bổ nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở và điều này là hoàn toàn hợp lý.
Thứ hai, việc quy định Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng và kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó của các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý là cần thiết và phù hợp. Quy định này góp phần phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, đồng thời phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong quản lý giáo dục.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người nắm rõ tình hình dân cư, điều kiện kinh tế – xã hội, nhu cầu học tập và đặc điểm của từng trường học trên địa bàn. Điều này giúp họ đưa ra các quyết định nhân sự phù hợp với thực tế.
Thứ ba, việc quy định Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng và kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó của các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý giúp tăng hiệu quả quản lý giáo dục tại cơ sở. Các quyết định về nhân sự được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục từ đó từng bước cải thiện chất lượng dạy và học”, cô Mai bày tỏ.

Việc xác định rõ phạm vi tham mưu và giới hạn thẩm quyền của cấp xã là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý giáo dục. Ảnh minh họa: LT
Cùng bàn về vấn đề này, ông Vũ Trọng Dũng - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Trường (Hải Phòng), trước đây là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão (cũ) chia sẻ: Việc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyền quyết định các vấn đề nhân sự đối với người đứng đầu và cấp phó các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn là một bước đi cần thiết trong quá trình phân cấp, trao quyền tự chủ cho cấp cơ sở. Cách làm này mang lại một số ưu điểm nổi bật.
Trước hết, tăng tính chủ động và linh hoạt cho địa phương là lợi ích rõ rệt nhất. Khi Ủy ban nhân cấp xã được trao quyền quyết định, việc bổ nhiệm, điều động, hay khen thưởng – kỷ luật cán bộ quản lý giáo dục có thể được thực hiện nhanh chóng, sát thực tế, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu cụ thể của từng địa bàn.
Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở cơ sở. Ngoài ra, cơ chế này giúp thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của chính quyền cấp xã đối với sự phát triển giáo dục trên địa bàn mình quản lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cơ chế này cũng đặt một số thách thức đòi hỏi phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã cần nâng cao năng lực.
Công tác cán bộ trong lĩnh vực giáo dục đòi hỏi sự am hiểu chuyên môn sâu và khả năng đánh giá toàn diện, trong khi phần lớn cán bộ xã hiện nay chưa được đào tạo bài bản để đảm nhận trọng trách này.
“Mặt khác, việc quy hoạch cán bộ cũng đặt ra một số khó khăn. Như địa bàn xã An Trường đã sáp nhập gồm 3 xã cũ với tổng số 9 trường, mỗi cấp học 3 trường. Ví dụ như trước đây, tôi quản lý cấp huyện có khoảng 50 trường với 2.000 cán bộ, giáo viên, thì hiện nay quản lý cấp xã chỉ còn khoảng 10 trường với 300 giáo viên. Khi phân quyền về xã thì sẽ phù hợp với điều kiện thực tế nhưng nguồn cán bộ quy hoạch cho cấp quản lý sẽ ít hơn.
Chính vì thế, lộ trình xây dựng quy hoạch bồi dưỡng cán bộ đòi hỏi phải dài hơi hơn bởi khi đó yếu tố cạnh tranh sẽ ít đi, buộc phải chú trọng công tác bồi dưỡng hơn. Các đơn vị phải có chiến lược quy hoạch bài bản, nghiêm túc thì mới có thể tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ của cán bộ quản lý.

Ông Vũ Trọng Dũng - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Trường (Hải Phòng). Ảnh: CTV
Để phát huy hiệu quả của cơ chế phân cấp này, theo ông Dũng, Ủy ban nhân dân cấp xã cần đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người được giao phụ trách lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Việc thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức về quản trị nhân sự, đánh giá cán bộ, và quy định pháp luật về giáo dục sẽ giúp nâng cao năng lực đội ngũ, từ đó đảm bảo tính chuyên nghiệp và khách quan trong các quyết định liên quan đến nhân sự.
Cán bộ quản lý giáo dục được bổ nhiệm giúp đúng người, đúng việc
Việc xác định rõ phạm vi tham mưu và giới hạn thẩm quyền của cấp xã là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý giáo dục, giúp tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền cấp xã
Khi có quyền quyết định về công tác cán bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ chủ động và linh hoạt hơn trong việc điều hành, bố trí nhân sự phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Việc giao quyền gắn liền với trách nhiệm cũng thúc đẩy lãnh đạo địa phương nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, giám sát tốt hơn hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền, khi cán bộ quản lý giáo dục được bổ nhiệm đúng người, đúng việc, họ sẽ yên tâm công tác, phát huy năng lực, từ đó tạo môi trường học tập tích cực cho giáo viên và học sinh. Cơ chế bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật rõ ràng sẽ thúc đẩy đội ngũ cán bộ, giáo viên nỗ lực hơn trong công việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, Hải Phòng. Ảnh: LT
Việc trao quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác cán bộ giáo dục không chỉ là sự phân cấp hành chính, mà còn là một giải pháp chiến lược để nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục ở cơ sở.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như kỳ vọng, cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch cùng những hướng dẫn cụ thể về quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm, việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo cấp xã cũng cần phải được quan tâm, chú trọng.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở trên địa bàn phường Dương Kinh (Hải Phòng) nêu quan điểm, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý là hợp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cũng theo vị này, phường, xã quản lý nhà nước các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Đảng ủy phường quản lý công tác đảng nên phường sẽ đánh giá toàn diện về cán bộ quản lý giáo dục hơn.
Đồng thời, do sáp nhập tỉnh nên tổng số các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông khá lớn, trải dài về mặt địa lý, nếu để sở đánh giá và bổ nhiệm thì sẽ quá tải về mặt công việc, và không thể sát hết được với cán bộ quản lý giáo dục như phường, xã.