Xét tuyển đồng thời: Điểm chuẩn 2025 sẽ có nhiều bất ngờ?

Không còn xét tuyển sớm, việc sắp xếp nguyện vọng và chọn phương thức hợp lý trở thành chìa khóa mở ra cánh cửa đại học cho mỗi thí sinh.

Mặt bằng điểm chuẩn chuyển động theo phổ điểm và nguyện vọng

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 khép lại cũng là lúc hàng triệu thí sinh bước vào chặng đua mới, chặng đua chọn ngành, chọn trường. Trong bối cảnh quy chế tuyển sinh không còn xét tuyển sớm như các năm trước, các phương thức được thực hiện đồng thời sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã khiến tâm lý thí sinh thêm phần căng thẳng. Nhiều lo lắng được đặt ra là liệu mặt bằng điểm chuẩn năm nay có biến động mạnh? Có nên đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng đầu hay ưu tiên ngành dễ đậu trước? Và những thay đổi trong cách quy đổi điểm xét tuyển có đảm bảo công bằng?

Chương trình “Đưa trường học đến thi sinh” - talkshow tư vấn trực tuyến chủ đề “Đăng ký xét tuyển đại học”. Ảnh: Quang Liêm

Chương trình “Đưa trường học đến thi sinh” - talkshow tư vấn trực tuyến chủ đề “Đăng ký xét tuyển đại học”. Ảnh: Quang Liêm

Tại chương trình “Đưa trường học đến thi sinh” - talkshow tư vấn trực tuyến chủ đề “Đăng ký xét tuyển đại học” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 10/7, các chuyên gia từ các trường đại học lớn đã cung cấp góc nhìn toàn cảnh, giúp thí sinh gỡ rối những băn khoăn trên hành trình lựa chọn tương lai.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng Phòng tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, nhận định, phổ điểm năm nay ở các môn như Toán và Tiếng Anh chắc chắn có sự dao động, nhưng điều quan trọng hơn cả là chiến lược xét tuyển. Việc trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực không còn là thước đo duy nhất. Thứ cần hướng đến là đỗ vào ngành đúng sở thích ngay từ nguyện vọng 1.

Đồng tình với quan điểm trên, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó trưởng Phòng tuyển sinh, Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing, cho rằng, điểm chuẩn năm nay tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành, chỉ tiêu từng chương trình đào tạo. Những ngành “nóng”, chỉ tiêu ít có thể tăng điểm nhẹ từ 0,5 đến 0,75 điểm.

ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tư vấn cho thí sinh tại tọa đàm. Ảnh: Quang Liêm

ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tư vấn cho thí sinh tại tọa đàm. Ảnh: Quang Liêm

Trong khi đó, ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh rằng khó có thể dự báo chính xác mức điểm chuẩn. Điều quan trọng nhất là thí sinh chọn ngành học phù hợp với năng lực, đam mê. Riêng nhóm ngành sức khỏe tại trường này luôn duy trì đầu vào cao, phản ánh sức hút và đặc thù đào tạo đặc biệt.

Từ thực tế giảng dạy và tuyển sinh, ThS Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ, phổ điểm chỉ là một phần dữ liệu tham khảo. Điều cốt lõi nằm ở việc thí sinh xây dựng một chiến lược nguyện vọng thông minh, phù hợp với bối cảnh cá nhân và xu hướng ngành nghề.

Liên quan đến những thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay, một điểm mới là việc quy đổi điểm từ học bạ, chứng chỉ quốc tế, bài thi năng lực… về cùng thang điểm 30 để đảm bảo tính tương đồng với điểm thi trung học phổ thông. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, đây là giải pháp kỹ thuật nhằm tạo sự minh bạch và công bằng giữa các phương thức. Các bài thi như V-SAT, đánh giá năng lực, kết quả học tập, chứng chỉ ngoại ngữ… đều được quy đổi theo quy chuẩn cụ thể, công khai từ đầu trong đề án tuyển sinh. Việc này giúp thí sinh yên tâm sử dụng nhiều phương thức xét tuyển mà vẫn được đánh giá công bằng.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Liêm

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Liêm

ThS Trương Quang Trị cho rằng, quy đổi điểm chỉ thực sự công bằng khi dựa trên khung chuẩn đầu ra rõ ràng, minh bạch và có công bố cụ thể từ các trường. Các chứng chỉ như IELTS, SAT đều đã có khung quy đổi chuẩn, tạo điều kiện cho thí sinh chủ động phát huy lợi thế cá nhân. Đồng thời, việc lọc ảo thống nhất trên hệ thống quốc gia cũng đảm bảo các quyền lợi xét tuyển ngang nhau giữa các phương thức.

Một vấn đề kỹ thuật được quan tâm là cách nộp minh chứng cho các điểm cộng ưu tiên từ học sinh giỏi cấp tỉnh, giải khoa học kỹ thuật, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Theo đại diện Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tất cả các minh chứng cần được cập nhật lên hệ thống trước 17 giờ ngày 18/7. Thí sinh tuyệt đối không nên đợi đến khi có điểm thi mới nộp, vì sẽ dễ bỏ lỡ thời gian cập nhật dữ liệu trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cần có “chiến lược” thông minh trong lựa chọn nguyện vọng

Trên hành trình chọn ngành, chọn trường, yếu tố đam mê dường như vẫn là kim chỉ nam không thể thiếu. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít thí sinh bị cuốn theo xu hướng, cảm tính hoặc chạy theo lời khuyên của bạn bè mà quên mất việc tự khám phá bản thân.

ThS Hoàng Thanh Tú chia sẻ: “Rất nhiều thí sinh lựa chọn ngành theo tính chất cảm tính, mặc dù trúng tuyển vào trường tốp, ngành hot nhưng các em thiếu mất đam mê, dẫn đến việc ‘gãy’ giữa chừng”. Bởi vậy, lựa chọn cần đến từ sự hiểu rõ bản thân, lắng nghe chính mình, không nên để áp lực từ môi trường xung quanh lấn át.

Việc sắp xếp nguyện vọng cũng là một chiến lược. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, thí sinh không nên quá đặt nặng phương thức xét tuyển mà cần tập trung vào ngành yêu thích. Chiến lược hợp lý là sắp xếp từ 5 đến 7 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nghề, trong đó nguyện vọng 1 luôn là ngành mình khao khát theo đuổi. Tránh đặt nhầm thứ tự sẽ giúp tối ưu cơ hội trúng tuyển vào ngành phù hợp.

Các chuyên gia trả lời thắc mắc cho thí sinh. Ảnh: Quang Liêm

Các chuyên gia trả lời thắc mắc cho thí sinh. Ảnh: Quang Liêm

Trong khi đó, ThS Trương Quang Trị cảnh báo về xu hướng “ngại mạo hiểm”, khiến nhiều thí sinh chỉ đăng ký 1 - 2 nguyện vọng, tự tin vào kết quả thi nhưng lại tăng rủi ro trượt. Ông khuyến khích thí sinh nên phân bổ khoảng 10 nguyện vọng gồm cả ngành mơ ước, ngành “vừa phải” và ngành “an toàn” để cân bằng giữa ước mơ và thực tế.

Một điểm quan trọng khác là tránh nhầm lẫn khi đăng ký thông tin. ThS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh chỉ cần điền mã trường chứ không phải tên viết tắt, không cần chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Các trường sẽ tự chọn tổ hợp điểm tốt nhất cho thí sinh trong quy trình xét tuyển. Việc này giúp giảm áp lực lựa chọn nhưng đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ cách thức ghi thông tin chính xác.

Câu chuyện “ngành dễ thở” cũng được đặt ra tại talkshow. ThS Hoàng Thanh Tú nhấn mạnh, không có ngành nào gọi là “dễ thở” tuyệt đối. Mỗi ngành sẽ “dễ” nếu phù hợp với năng lực, điểm thi và sở thích của thí sinh. Ông khuyên, nếu thực sự yêu thích công nghệ, hãy đặt các ngành này ở nguyện vọng đầu. Tuy nhiên, đừng quên thêm các ngành “có thể đậu” vào các nguyện vọng sau để tăng khả năng trúng tuyển.

Với nhóm ngành liên quan công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có nhiều lựa chọn như: Công nghệ thông tin, thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ giáo dục… Thí sinh có thể tìm hiểu thêm về các chương trình đào tạo tăng cường tiếng Anh, chương trình tiên tiến hoặc liên kết quốc tế để mở rộng cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, AI, dữ liệu lớn đang chi phối nhiều lĩnh vực, các ngành công nghệ tiếp tục là lựa chọn hấp dẫn. Tuy nhiên, như ThS Hoàng Thanh Tú lưu ý, điều quan trọng là phải hiểu rõ vai trò của công nghệ như một công cụ hỗ trợ công việc, chứ không phải con đường duy nhất. Mỗi ngành nghề đều cần ứng dụng công nghệ ở mức độ phù hợp, tùy vào định hướng phát triển cá nhân.

Dư âm của kỳ thi đang dần lắng xuống, nhưng lựa chọn ngành học, trường học vẫn là dấu mốc quan trọng mang tính quyết định. Không ai có thể thay thí sinh đưa ra lựa chọn, cũng không ai có thể định nghĩa thế nào là “đúng đắn” ngoài chính các em. Chỉ cần bước đi bằng sự hiểu mình, hiểu ngành, hiểu bối cảnh, hành trình phía trước chắc chắn sẽ vững vàng hơn.

Về thời điểm đăng ký nguyện vọng, các chuyên gia nhấn mạnh thí sinh cần lưu ý thời gian đăng ký chính thức từ chiều 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7. Trong thời gian này, cần hoàn tất sắp xếp nguyện vọng hợp lý, không để nước đến chân mới nhảy, tránh bị động trong điều chỉnh.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xet-tuyen-dong-thoi-diem-chuan-2025-se-co-nhieu-bat-ngo-410027.html