Chú trọng chất lượng các danh hiệu văn hóa

Thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ quy định về xét tặng các danh hiệu văn hóa (Nghị định 122), 5 năm qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả.

Người dân P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh tham gia trò chơi dân gian trong lễ hội Sayangva năm 2023, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí bình xét ấp, khu phố văn hóa. Ảnh: My Ny

Người dân P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh tham gia trò chơi dân gian trong lễ hội Sayangva năm 2023, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí bình xét ấp, khu phố văn hóa. Ảnh: My Ny

Mặc dù vẫn còn khó khăn trong công tác bình xét vào cuối năm, song tỷ lệ gia đình, ấp, khu phố đạt các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh đều tăng lên, đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

* Vẫn còn khó khăn

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 122, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đã chủ động, linh hoạt, đưa ra những cách làm hay nhằm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, đã bổ sung tiêu chí khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khu dân cư an toàn về an ninh trật tự; ấp nông thôn mới; ấp, khu phố tiết kiệm điện; thực hiện “4 giảm” (giảm ma túy, giảm mại dâm, giảm tội phạm, giảm tai nạn giao thông) vào chương trình xây dựng ấp, khu phố văn hóa; bổ sung thêm tiêu chí gia đình học tập vào tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm…

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai thực hiện các danh hiệu văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại H.Long Thành, việc triển khai đăng ký danh hiệu văn hóa ở một số doanh nghiệp còn chậm do chưa có quyền lợi, chế độ đãi ngộ rõ ràng khi đạt danh hiệu đạt chuẩn văn hóa, do đó nhiều doanh nghiệp không đăng ký thực hiện. Một số Công đoàn cơ sở không trực thuộc cấp huyện quản lý, về chuyên môn cũng không do cấp huyện quản lý nhưng theo quy định hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện do UBND huyện xét công nhận. Do đó, khi thực hiện đánh giá, công nhận gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 31-3, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TTDL) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa; xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Hội thảo được tổ chức tại TP.Đà Nẵng với sự tham gia của sở VH-TTDL các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân, việc triển khai bình xét các danh hiệu trên địa bàn huyện thời gian qua được tiến hành theo đúng quy trình và đúng tiêu chí đã xây dựng. Tuy nhiên, ở một số chương trình, có những vụ việc xảy ra trên địa bàn do yếu tố khách quan nên khi áp dụng chấm điểm bình xét ấp, khu phố văn hóa gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, việc triển khai đăng ký và bình xét danh hiệu gia đình văn hóa cũng gặp khó khăn khi một số gia đình đi làm ăn xa, không có mặt thường xuyên ở địa bàn khu dân cư, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động còn hạn chế.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Trần Thị Chung cho biết: “Việc triển khai quy trình phát, thu thập phiếu đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa được quy định do trưởng ấp, khu phố thực hiện và phát đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, do số hộ gia đình trong mỗi ấp, khu phố rất đông nên việc phát phiếu và tổng hợp mất nhiều thời gian và kinh phí in ấn biểu mẫu. Công tác họp bình xét các ấp, khu phố chủ yếu thực hiện tại nhà văn hóa, trong khi diện tích nhà văn hóa, cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Việc tặng giấy khen gia đình văn hóa 3 năm liên tục trở lên, phần lớn các xã, phường chưa thực hiện do không có kinh phí”.

Tại H.Xuân Lộc, hiện nay 6 chương trình (từ chương trình 8 đến chương trình 13) do chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá, chỉ tiêu thực hiện nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai, đánh giá. Hay tại H.Thống Nhất, việc đánh giá các tiêu chí về tình hình an ninh trật tự chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chuyện môn do đặc thù khác nhau của từng ngành.

* Nâng cao chất lượng bình xét

Bên cạnh những khó khăn, trong triển khai thực hiện Nghị định số 122 của Chính phủ, Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác đăng ký, bình xét và khen thưởng hàng năm đối với các danh hiệu ngày càng đi vào chiều sâu, tạo tiền đề, nền tảng góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 915/925 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; có 672.835/680.053 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; 120/120 xã đạt nông thôn mới; có 94,8% khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước, thực hiện nếp sống văn hóa, góp phần đẩy lùi thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, ngay từ đầu năm Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đã đề ra một số giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến, các mô hình, cách làm hay trên các phương tiện truyền thông để kịp thời nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong bình xét các danh hiệu.

“Công tác bình xét các danh hiệu văn hóa hàng năm phải được thực hiện công khai, đảm bảo khách quan, đúng trình tự, thủ tục và minh bạch. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, cũng như kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong các phong trào thi đua. Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm khuyến khích phong trào phát triển, đạt hiệu quả hàng năm và qua các giai đoạn” - bà Mộng Bình nhấn mạnh.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202304/chu-trong-chat-luong-cac-danh-hieu-van-hoa-3162401/