Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao

Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, Huyện ủy Trần Đề (Sóc Trăng) đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao'.

Học trung học phổ thông tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề, em Tạ Lý Châu Gia Kiệt luôn nỗ lực, cố gắng và khẳng định lựa chọn đúng đắn của mình bằng kết quả học tập để hoàn thành ước mơ trong tương lai. Gia Kiệt chia sẻ: “Em mong muốn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ học ngành thủy sản ở Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng để sau này phụ giúp gia đình phát triển nghề nuôi tôm. Hiện nay, em đang được thầy cô trong trung tâm tích cực ôn thi để quyết tâm giành kết quả cao trong kỳ thi sắp tới”.

Hiện nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề đã từng bước được nâng cấp và tăng dần về quy mô cũng như chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học của học viên. Ngoài giáo dục thường xuyên, trung tâm cũng trở thành địa chỉ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng và là vệ tinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho các trường trung cấp, cao đẳng của tỉnh.

Theo đồng chí Lưu Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề, trong năm 2023 trung tâm mở được 144 lớp dạy nghề với tổng số 2.566 học viên. Trong đó, nghề nông nghiệp có 80 lớp với 1.440 học viên theo học chủ yếu các nghề: nuôi trồng thủy sản, trồng lúa chất lượng cao, trồng màu, chăn nuôi. Sau khi học xong, lao động làm việc tại gia đình. Đối với nghề phi nông nghiệp có 64 lớp với 1.136 học viên, phần lớn là các nghề đan giỏ nilon, đan lục bình, kết cườm, tin học văn phòng. Qua khảo sát, sau khi học nghề xong, tỷ lệ có việc làm 94% do được cơ sở bao tiêu sản phẩm. Năm học 2023 - 2024, trung tâm mở được 3 lớp giáo dục thường xuyên gồm khối lớp 10, 11, 12 với tổng số 30 học viên. Riêng các lớp dạy nghề từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, trung tâm mở được 25 lớp với 450 học viên. Dự kiến đến hết tháng 6 sẽ mở được 36 lớp với khoảng 648 học viên, chủ yếu các nghề: đan lục bình, đan giỏ nilon, chăn nuôi bò, trồng lúa, trồng màu…

Năm học 2023 - 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề mở được 3 lớp giáo dục thường xuyên. Ảnh: THIỆN HẢI

Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề đã được UBND huyện Trần Đề quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Nội dung và phương pháp đào tạo của trung tâm tiếp tục được đổi mới, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện Trần Đề đạt 63%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có văn bằng, chứng chỉ đạt 28%, đạt chỉ tiêu nghị quyết của huyện Trần Đề đề ra.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao tại Trần Đề đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”. Xác định được tầm quan trọng đó, Huyện ủy, UBND huyện Trần Đề đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37-CT/TW. Qua 10 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao được UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, huyện đều tổ chức rà soát, sắp xếp, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tay nghề cao, đa dạng hóa chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng đảm bảo về số lượng và cơ cấu ngành nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Theo lãnh đạo Huyện ủy Trần Đề, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 37-CT/TW. Một trong những giải pháp trọng tâm là sẽ khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Thực hiện tốt cơ chế cung cấp thông tin về nhu cầu lao động qua đào tạo, nhân lực có tay nghề cao của doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động cho cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng dữ liệu về cung - cầu đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm... nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gắn với các dự án đầu tư, các làng nghề, đảm bảo cho học viên có việc làm ổn định sau khi học nghề.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/chu-trong-cong-tac-dao-tao-nguon-nhan-luc-tay-nghe-cao-73493.html