Chú trọng hậu kiểm các đề án khuyến công
Nhằm bảo đảm nguồn vốn khuyến công đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh tăng cường phối hợp làm tốt công tác hậu kiểm, đánh giá hiệu quả các đề án khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh (giai đoạn hỗ trợ 2021-2023).
Hiệu quả thiết thực
Theo Trung tâm KC&XTTM tỉnh, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 47 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ cá thể (gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn) được hỗ trợ theo các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm: Cơ khí; chế biến nông, lâm sản xuất khẩu; sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống; bao bì đóng gói sản phẩm... Tổng vốn hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, trong đó có 7,2 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công T.Ư, còn lại là vốn khuyến công của tỉnh.
Kết quả kiểm tra thực tế tại 47 cơ sở cho thấy, các hoạt động khuyến công được triển khai thời gian qua đều thiết thực, ý nghĩa. Qua đó động viên, khuyến khích kịp thời các cơ sở mạnh dạn đối ứng, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào hoạt động, giúp các chủ thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên vật liệu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Giai đoạn từ năm 2021-2023, toàn tỉnh có 47 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng vốn hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, trong đó có 7,2 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công T.Ư, còn lại là vốn khuyến công của tỉnh.
Đến nay, toàn bộ máy móc thiết bị được hỗ trợ vẫn hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó, nhiều mô hình có hiệu quả cao như các DN: Công ty cổ phần Kết cấu thép ASC Vina (Lạng Giang), HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động),… Điển hình trong số đó là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang). Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty cho biết, từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, giai đoạn 2022- 2023, DN được hỗ trợ đầu tư lắp đặt 1 kho đông lạnh để bảo quản sản phẩm và 1 máy ghép mí lon tự động.
Hiện các máy móc, thiết bị đang phát huy hiệu quả, góp phần để đơn vị xây dựng thành công 3 sản phẩm chế biến đóng hộp gồm: Vải thiều Bắc Giang, long nhãn Bắc Giang đạt OCOP 4 sao và ngô ngọt nguyên hạt đạt OCOP 3 sao. Đặc biệt, vải thiều nước đường đóng hộp của Công ty được Bộ Công Thương lựa chọn, vinh danh là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023. Mô hình sản xuất của đơn vị đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Công ty đã tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả cho các HTX trong và ngoài tỉnh với sản lượng khoảng 10 nghìn tấn/năm, giá trị xuất khẩu bình quân hơn 2 triệu USD/năm.
Khắc phục tồn tại
Dù đạt kết quả tích cực song công tác khuyến công giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, giai đoạn 2021-2023, đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng. Kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ kinh phí khuyến công nhưng phát triển chậm, chưa duy trì được việc làm ổn định cho người lao động. Có những cơ sở được đầu tư máy móc, thiết bị mới để nâng cao năng suất nhưng sản phẩm còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh thấp, năng lực quản lý hạn chế, chưa mở rộng được thị trường.
Một số cơ sở sau khi đầu tư chưa khai thác hết công suất của máy móc, thiết bị. Có đơn vị do mới đầu tư còn gặp khó khăn về vốn, sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh, thị trường không ổn định, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao.
Tại thời điểm đầu tư, máy móc thiết bị hỗ trợ được đánh giá là tiên tiến hiện đại nhưng trước tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay thì máy móc thiết bị đó đã bị lạc hậu. Ngoài ra, những đơn vị thụ hưởng các đề án khuyến công phần lớn là cơ sở công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên trình độ tổ chức sản xuất, quản lý DN, chuyên môn nghiệp vụ kế toán còn yếu, công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan sau khi đề án hoàn thành còn hạn chế. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Xây dựng Duyên Quả (Yên Dũng). Tháng 9/2021, DN này được hỗ trợ 100 triệu đồng mua máy tiện gỗ lập trình tự động. Do sơ suất trong quá trình làm việc, công nhân làm rơi 1 khúc gỗ vào máy tiện gây hỏng hóc, phải dừng hoạt động để sửa chữa.
Quy mô của các đề án tuy năm sau lớn hơn năm trước nhưng chưa có đề án khuyến công trọng tâm, trọng điểm thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc phát triển KT-XH của tỉnh.
Để hoạt động khuyến công đi vào chiều sâu và hiệu quả, ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản quy định mới liên quan đến công tác khuyến công nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác này. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong xây dựng kế hoạch khuyến công hằng năm, đặc biệt là khâu đánh giá các tiêu chí ưu tiên khi xét phân bổ kế hoạch vốn, lựa chọn cơ sở để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các đề án và nghiệm thu kết quả sau khi thực hiện xong. Đối với các đề án không đáp ứng được yêu cầu theo hợp đồng hỗ trợ đã ký hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai, đơn vị đề xuất cấp có thẩm quyền ngừng thực hiện, hoặc điều chỉnh bổ sung vốn sang đề án khác. Phối hợp với các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, kịp thời nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, sớm mang lại hiệu quả cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, địa phương và xã hội.
Bài, ảnh: Đại La
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chu-trong-hau-kiem-cac-de-an-khuyen-cong-073506.bbg