Đề xuất miễn thuế thu nhập cho báo chí vì 'không sống được từ quảng cáo'
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm, báo chí không phải lĩnh vực kinh doanh, mà phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp, nhất là trong lĩnh vực thuế.
Ngày 22/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi 15% (giảm 5% so với thuế suất phổ thông) đối với cơ quan báo chí từ hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như hiện nay.
Nhiều tòa soạn phải cho kinh doanh tòa nhà để "nuôi" báo
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TPHCM - đề xuất, cần bổ sung ưu đãi tính thuế cho toàn ngành báo chí chứ không chỉ riêng báo in.
Nữ đại biểu chia sẻ, tại TPHCM có một số cơ quan báo chí được đầu tư và được vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển, làm các tòa nhà cao tầng. Sau đó, các cơ quan báo chí sẽ sử dụng phần đó để phục vụ cho báo in, vận hành tòa soạn. Với phần dư ra, báo sẽ sử dụng để cho thuê, kinh doanh tòa nhà. Chính những hoạt động này quay lại để nuôi tờ báo chứ thực trạng quảng cáo trong phát hành báo in, báo điện tử không thể nuôi được báo trong điều kiện tự chủ như hiện nay.
Dù vậy, cách tính thuế của các cơ quan thuế đối với việc quản lý tòa nhà lại phân ra phần nào trong tòa nhà phục vụ cho báo chí thì được ưu đãi, còn với những phần cho thuê tòa nhà sẽ bị tính theo quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường.
Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét lại các quy định này, tính luôn những hoạt động kinh doanh để phục vụ cho tờ báo được hưởng ưu đãi chứ không tách rời hoạt động kinh doanh tòa nhà, cho thuê.
"Cần xem đây là cơ hội để phục vụ cho hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên giáo và phát triển cho báo chí", đại biểu nhấn mạnh.
"Cần có chính sách ưu đãi về thuế nhiều hơn với báo chí"
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TPHCM - cho rằng, với văn hóa và báo chí, đây là lĩnh vực rất quan trọng trong nền kinh tế, phải có chính sách ưu đãi về thuế nhiều hơn.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi 15% (giảm 5% so với thuế suất phổ thông) đối với cơ quan báo chí từ hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như hiện nay.
Với nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, 2 lĩnh vực này chỉ nên áp dụng một mức chung là 10%. Ông Ngân nhấn mạnh cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn cho báo chí bởi trong thời bình, vai trò của báo chí cũng hết sức quan trọng, góp phần đấu tranh với các thông tin xấu độc, phản động, chống phá Nhà nước.
Báo chí cũng góp phần đưa ra những mô hình hay, thông tin tích cực và góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính những nhiệm vụ của báo chí đã giúp tăng nguồn thu cho ngân sách.
Với quan điểm như vậy, đại biểu đề nghị nên có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay; từ đó, giúp báo chí có điều kiện đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn.
Đại biểu đề nghị trong giai đoạn đầu, có thể là 5 năm, đưa các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, báo chí có chính sách ưu đãi như miễn không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở giai đoạn đầu hoặc ở mức thấp nhất để khuyến khích.