Chú trọng quản lý, nâng cấp hệ thống đê kè

Toàn tỉnh có 663km đê, trong đó 365km đê cấp I đến cấp III (gồm 91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III; gần 150km kè, trong đó có 65km kè biển, 92km kè sông. Xác định hệ thống đê kè có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng, tài sản cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và nhân dân... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Toàn tỉnh có 663km đê, trong đó 365km đê cấp I đến cấp III (gồm 91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III; gần 150km kè, trong đó có 65km kè biển, 92km kè sông. Xác định hệ thống đê kè có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng, tài sản cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và nhân dân đạt được nên tỉnh luôn quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp. Song hệ thống đê điều, thủy lợi lớn, cộng với biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, tác động tiêu cực dẫn đến các tuyến đê tồn tại nhiều vị trí xung yếu, đặt ra những thách thức cho công tác bảo đảm an toàn đê điều, phòng chống thiên tai. Người dân các địa phương thường xuyên kiến nghị, đề xuất các cấp chính quyền đẩy mạnh đầu tư tu sửa, nấp cấp hệ thống đê kè.

Các lực lượng chức năng huyện Trực Ninh xử lý các trường hợp tập kết vật liệu xây dựng trên tuyến đê hữu sông Hồng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống đê kè.

Người dân huyện Nam Trực kiến nghị về tình trạng mặt đê tả Đào đoạn xã Nam Dương và Đồng Sơn hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và phòng chống bão lũ; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát và đầu tư nâng cấp, bê tông hóa mặt đê. Mới đây, người dân huyện Ý Yên kiến nghị tình trạng: bối Ngọc Chấn xã Yên Trị, hai bờ sông Chanh đoạn từ sông Chanh ra sông Đào thuộc hai xã Yên Phúc, Yên Lộc tuy đã được xử lý tạm thời nhưng về lâu dài không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, bờ bao sản xuất thôn Trung Đồng xã Yên Bằng và bờ bao sản xuất xã Yên Phương đang bị sạt lở, đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tu sửa cứng hóa. Người dân huyện Giao Thủy kiến nghị, hiện nay lưu lượng dòng chảy tuyến sông từ Cồn Năm ra cống Cai Đề thuộc địa bàn xã Giao Hải rất lớn, gây sạt lở nghiêm trọng khoảng 600m tuyến đê dự phòng và khoảng 2,5km hai bên đường dọc theo tuyến sông, gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông và công tác phòng chống bão lụt. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ kè tuyến sông trên. Người dân huyện Trực Ninh kiến nghị, mặt tuyến đê từ xã Trực Chính đến cống Mỏ Cò thuộc địa phận xã Phương Định hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị UBND tỉnh đầu tư kinh phí để cải tạo nâng cấp mặt đê, đảm bảo an toàn giao thông và công tác phòng chống thiên tai.

Để xử lý nội dung kiến nghị về đoạn đê tả Đào, các ngành chức năng và địa phương đã rà soát, xác định tuyến đê tả Đào nằm trên địa phận xã Nam Dương, Đồng Sơn (Nam Trực) dài 3,7km, mặt đê trải đá dăm; đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 1-10-2010 phê duyệt dự án đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đê, kè, cống đê hữu Hồng và đê tả Đào (Nam Trực). Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên chưa thực hiện thi công đoạn đê này. Trước tình trạng mặt đê xuống cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên kiểm tra, tu bổ, sửa chữa, gia cố mặt đê bằng cấp phối đá dăm để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ công tác phòng chống lụt bão, với tổng kinh phí khoảng 4,3 tỷ đồng. Để xử lý bất cập tại tuyến kênh xã Giao Hải (Giao Thủy), UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy (đơn vị quản lý, khai thác tuyến kênh) tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa, ưu tiên nguồn lực, có lộ trình phù hợp để nạo vét, kiên cố hóa đoạn kênh trên đảm bảo an toàn giao thông và công tác phòng chống bão lụt. Trường hợp cần nguồn kinh phí lớn, vượt quá khả năng của Công ty, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo đúng quy định...

Bên cạnh đó tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình đê kè trên địa bàn, phát hiện, xử lý ngay giờ đầu các hư hỏng, sự cố đê kè phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ bão. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương, nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tu bổ, sửa chữa những công trình đột xuất, cấp bách bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo phòng chống thiên tai. Trong đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các dự án tu sửa, nâng cấp đê kè chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang giai đoạn 2021-2025. Tính riêng nhóm dự án tỉnh trực tiếp quản lý điều hành đã có quyết định phê duyệt quyết toán, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình gồm: xử lý khẩn cấp kè Hồng Hà đoạn từ K160+500 đến K161+320 đê hữu Hồng (Mỹ Lộc); xử lý cấp bách kè Mặt Lăng đoạn từ K183+020 đến K183+640 và gia cố mặt đê đoạn từ K184+730 đến K185+240 đê hữu Hồng (Trực Ninh); xử lý cấp bách hư hỏng mái đê Phú Văn xã Hải Ninh, K38+000 đến K39+500 đê tả Ninh (Hải Hậu) do bão số 10 năm 2017 gây ra; xử lý cấp bách một số sự cố xảy ra trong đợt mưa lũ tháng 10-2017 trên tuyến đê hữu Ninh và đê Thanh Hương, đê biển Nghĩa Hưng; xử lý cấp bách mái đê phía sông đoạn K7+150 đến K7+190 và đoạn K14+500 đến K16+000 đê hữu Đào, hoàn thiện gia cố mặt đê bê tông đoạn từ K0+700 đến K4+500 tuyến đê bối Đồng Tâm (Vụ Bản); cứng hóa mặt đê bối sông Đáy xã Yên Trị, Yên Đồng và Yên Nhân (Ý Yên); nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào thành phố Nam Định; xử lý khẩn cấp đê, kè Quy Phú tương ứng K177+900 đến K180+050 đê hữu Hồng (Nam Trực) giai đoạn 1, xử lý cấp bách một số đoạn đê xung yếu bị sự cố do mưa lũ tháng 10 năm 2017 xảy ra trên tuyến đê tả Đáy (Ý Yên); xử lý khẩn cấp đê kè Kiên Chính và hệ thống mở kè giữ bãi đoạn từ K10+460 đến K11+562 thuộc tuyến đê biển Hải Hậu; xử lý cấp bách các hư hỏng bờ bao xã Yên Bằng (Ý Yên) bị nước tràn làm xói mặt và vỡ do trận lũ sông Đáy ngày 11-10-2017 gây ra.

Trong bố trí vốn đầu tư công năm 2022, tỉnh xác định tập trung nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão đê hữu sông Hồng và đê tả Đào; cải tạo nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh. Trong đó, bằng nguồn ngân sách tỉnh, sẽ bố trí: 1 tỷ 659 triệu đồng tiếp tục thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả sông Đào (từ K18+656 đến K30+073) huyện Nghĩa Hưng; bố trí 3 tỷ 300 triệu đồng tiếp tục thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê, kè, cống đê hữu sông Hồng và đê tả Đào huyện Nam Trực; bố trí 10 tỷ 250 triệu đồng tiếp tục thực hiện dự án củng cố, nâng cấp các đoạn đê, kè xung yếu thuộc tuyến đê biển tỉnh; bố trí 500 triệu đồng tiếp tục thực hiện dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê hữu Hồng đoạn từ K156+621 đến K163+610; bố trí 2 tỷ 60 triệu đồng tiếp tục thực hiện dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê hữu Đào huyện Vụ Bản; bố trí 500 triệu đồng tiếp tục thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông.

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả các công trình đê kè theo phân cấp đã được quy định. Cụ thể, theo Quyết định số 822/1999/QĐ-UB ngày 3-7-1999 của UBND tỉnh thì UBND các huyện, thành phố có tuyến đê vùng bối ven sông chịu trách nhiệm tu sửa thường xuyên đảm bảo an toàn khi có lũ ở mức báo động II. Vì vậy tỉnh yêu cầu các địa phương phải thường xuyên rà soát, chủ động cân đối, bố trí nguồn lực để quản lý, tu sửa thường xuyên và xử lý nếu phát sinh sự cố, hư hỏng các đoạn tuyến đê bối vùng ven sông, đảm bảo an toàn theo quy định. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần nhận diện những dự án đê kè biển được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn Trung ương, kinh phí phân bổ ít và kéo dài trong nhiều năm nên ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành công trình, cần phải chủ động phương án hộ đê. Đồng thời, các địa phương phải thông báo, trả lời để người dân nắm bắt được quy định phân cấp quản lý cũng như kết quả thực hiện trách nhiệm quản lý, đảm bảo an toàn các tuyến đê kè của chính quyền địa phương. Chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế lại đang tập trung đầu tư những công trình trọng điểm, và phải cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên chưa bố trí được kinh phí để nâng cấp nhiều đoạn tuyến đê kè xung yếu. Tỉnh cũng khuyến khích các ngành, các địa phương đẩy mạnh huy động nguồn lực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia công tác bảo vệ, tu bổ đê kè.

Với các biện pháp tích cực kể trên, toàn tỉnh hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cấp hệ thống đê kè đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai, lũ bão, ứng phó biến đổi khí hậu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202201/chu-trong-quan-ly-nang-cap-he-thong-de-ke-2548654/