Chú trọng quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận
Sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận có cơ hội khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chú trọng công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận khiến sản phẩm chưa phát huy hết giá trị.
Chưa quản lý, phát huy tốt lợi thế
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của mình để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, cách thức sản xuất, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của sản phẩm. Toàn tỉnh có 8 nhãn hiệu chứng nhận gồm: Vân hương mỹ tửu Việt Yên; bưởi Pomelo, trám đen Hiệp Hòa; gà đồi, chè, nhãn chín muộn Yên Thế; miến dong Sơn Động; dứa Lạng Giang. Giữa tháng 3 vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp kiểm tra công tác quản lý, sử dụng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận đối với tất cả sản phẩm nêu trên. Qua đó cho thấy, bên cạnh những nhãn hiệu chứng nhận được quản lý chặt chẽ, sản phẩm ngày càng tạo tiếng vang vẫn còn một số địa phương, chủ thể sản xuất chưa thực sự quan tâm đến công tác này.

Hợp tác xã Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang) sản xuất dứa sấy dẻo, trà dứa.
Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm vân hương mỹ tửu Việt Yên. UBND huyện (cũ), nay là UBND thị xã giao đơn vị chuyên môn tham mưu, thực hiện công tác quản lý, sử dụng, phát triển nhãn hiệu. Do thay đổi về đơn vị quản lý, cán bộ phụ trách khi chuyển từ huyện lên thị xã và sáp nhập một số đơn vị, công tác bàn giao, lưu giữ hồ sơ không cẩn thận, khoa học nên giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (bản gốc) bị mất. Ngoài ra, thị xã chưa ban hành đầy đủ một số quyết định liên quan như: Cấp và thu hồi nhãn hiệu chứng nhận; sử dụng tem nhãn, bao bì; sổ sách theo dõi… Việc này khiến tính pháp lý của nhãn hiệu không được bảo đảm.
Toàn tỉnh có 8 nhãn hiệu chứng nhận gồm: Vân hương mỹ tửu Việt Yên; bưởi Pomelo, trám đen Hiệp Hòa; gà đồi, chè, nhãn chín muộn Yên Thế; miến dong Sơn Động, dứa Lạng Giang. Năm 2025, tỉnh đăng ký xây dựng 3 nhãn hiệu chứng nhận là: Thịt lợn an toàn Hiệp Hòa, nhung hươu Yên Thế, măng lục trúc Tân Yên.
Đối với nhãn hiệu miến dong Sơn Động, tính đến tháng 9/2024, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hạn và đến nay huyện chưa đề nghị gia hạn. Mặt khác, hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, UBND huyện giao Hợp tác xã Miến dong Tiên Lý (xã Yên Định) làm chủ thể quản lý, sử dụng nhãn hiệu. Hợp tác xã trồng khoảng 4,5 ha dong giềng làm nguyên liệu sản xuất miến, đầu tư máy móc và bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất chỉ tập trung vào dịp cuối năm, lợi nhuận giảm dần nên năm 2018, Hợp tác xã tạm dừng hoạt động. Năm 2020, UBND huyện Sơn Động tiếp tục giao Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thịnh Vượng Tuấn Đạo (xã Tuấn Đạo) quản lý, sử dụng nhãn hiệu.
Ông Trịnh Duy Cường, Giám đốc Hợp tác xã nói: “Vùng trồng dong giềng hiện chỉ còn 2 ha và chưa có phương án mở rộng. Mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hơn 1 tấn miến, con số này còn khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong khi thương hiệu đã có”. Thời gian qua, huyện Sơn Động cũng chưa có nhiều chính sách khuyến khích mở rộng vùng trồng dong giềng. Để được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, các tổ chức, cá nhân liên quan tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí, do đó nếu không duy trì, phát triển tốt sẽ gây lãng phí lớn.
Duy trì kiểm tra định kỳ
Nhãn hiệu chứng nhận giúp tạo uy tín cho sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương đã quan tâm phối hợp, triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, được công nhận nhãn hiệu; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Các địa phương có nhãn hiệu chứng nhận từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu.
Kinh nghiệm phát triển nhãn hiệu dứa Lạng Giang cho thấy phải có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của chủ thể sản xuất. Cụ thể, sau khi được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận (tháng 5/2024), huyện giao cán bộ chuyên trách quản lý tốt hồ sơ liên quan; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nhãn hiệu hiểu rõ ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm của mình. Nhằm bù đắp diện tích dứa có khả năng bị thu hồi để tạo quỹ đất thực hiện các dự án của Nhà nước, năm 2025, huyện giao UBND xã Hương Sơn mở rộng gần 20 ha dứa tại các thôn Đồng Thủy, Đồng Tâm, Quỳnh, Tiền Sơn, nâng diện tích dứa toàn huyện lên gần 150 ha.
Bà Vũ Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho biết, ngoài dứa tươi, địa phương còn quan tâm hỗ trợ chế biến dứa sấy dẻo, trà dứa để nâng cao giá trị sản phẩm. Hợp tác xã Dứa sạch Hương Sơn là đơn vị nòng cốt thực hiện nội dung này. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sấy 1 tấn dứa tươi, cho thành phẩm gần 100 kg dứa sấy lạnh với giá bán 400 nghìn đồng/kg. Công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ cũng được địa phương và từng cá nhân tham gia sản xuất quan tâm thực hiện. Nhờ đó, sản phẩm dứa tươi tiêu thụ tốt, được giá, dứa chế biến làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Huyện Yên Thế quan tâm phát triển thương hiệu gà đồi, nhãn chín muộn, chè thông qua việc đầu tư phát triển vùng sản xuất chuyên canh; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tổ chức lễ hội xúc tiến tiêu thụ gà đồi... để mở rộng thị trường.
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng, phát triển một số nhãn hiệu chứng nhận chưa tốt, ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở đã yêu cầu UBND thị xã Việt Yên rà soát, sớm ban hành bổ sung các giấy tờ bị thiếu, thất lạc; UBND huyện Sơn Động xem xét các điều kiện phát triển sản phẩm miến dong, nếu đáp ứng tốt thì nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ gia hạn. Đồng thời đề nghị các địa phương có nhãn hiệu chứng nhận duy trì kiểm tra định kỳ ít nhất 2 lần/năm tại các đơn vị sử dụng nhãn hiệu; áp dụng công nghệ số trong theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về nội dung này cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; tham mưu, ban hành các chế tài xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm.