Chú trọng tổ chức thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể cấp Tổng Công ty

Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam đã triển khai và ký thỏa ước lao động tập thể cấp Tổng Công ty cho 3 giai đoạn: 2015 - 2018, 2018 - 2022, 2021 - 2024.

Báo cáo của Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam cho thấy, Công đoàn Tổng Công ty hiện có 31 công đoàn cơ sở, với trên 12.000 đoàn viên, công nhân lao động trải rộng ở 3 miền tại 10 tỉnh, thành trong cả nước, với văn hóa, điều kiện, môi trường sống, tiền lương, thu nhập khác nhau, đa dạng hình thức sở hữu và nhiều đối tác nước ngoài tham gia đầu tư, sản xuất trực tiếp chỉ đạo, điều hành sử dụng lao động.

Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028

Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028

Với đặc điểm đó, việc tổ chức thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể cấp Tổng Công ty là hết sức cần thiết.

Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết: Thực hiện chủ trương vì lợi ích của người lao động, với phương châm hướng về cơ sở, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, từ năm 2014 với sự quyết tâm của Công đoàn Tổng Công ty cùng sự đồng thuận của Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty, Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam đã triển khai và ký Thỏa ước lao động tập thể cấp Tổng Công ty cho 3 giai đoạn: 2015 - 2018, 2018 - 2022, 2021 - 2024.

Trong quá trình triển khai cũng có nhiều khó khăn, tuy nhiên để đạt được kết quả tích cực, trước khi hết hạn thỏa ước lao động tập thể (thời hạn 3 năm), công đoàn tổ chức khảo sát, đánh giá thỏa ước lao động cấp Tổng Công ty và thỏa ước lao động tập thể các doanh nghiệp thành viên; thành lập ban soạn thảo, xây dựng nội dung thỏa ước lao động tập thể mới trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thỏa ước lao động tập thể hiện hành và các điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hệ thống Tổng Công ty.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty đã thành lập tổ thương lượng, trong đó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty là tổ trưởng và các thành viên đại diện là chủ tịch công đoàn các đơn vị cơ sở. Các cấp công đoàn hoàn thiện dự thảo nội dung thương lượng, tổng hợp căn cứ pháp lý nội dung cần thương lượng; nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp thành viên; tập hợp đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của người lao động; chuẩn bị về thông tin, xây dựng phương án đàm phán, thương lượng; tiến hành đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động về các nội dung đã được người lao động yêu cầu, trên cơ sở bảo đảm đạt được cao nhất nguyện vọng, lợi ích của tập thể lao động.

Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam chú trọng ký kết các thỏa thuận hợp tác mang lại lợi ích cho người lao động

Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam chú trọng ký kết các thỏa thuận hợp tác mang lại lợi ích cho người lao động

Ngoài ra, công đoàn phải lựa chọn nội dung thương lượng tập thể thiết thực, sát với người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp, nâng lương, định mức lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca, bảo đảm việc làm đối với người lao động; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, thực hiện nội quy lao động; chế độ bảo hiểm đối với người lao động; bữa ăn giữa ca và việc tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động; chế độ học tập và các chế độ phúc lợi khác; đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.

Cùng với đó là việc lấy ý kiến của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở trong hệ thống bằng văn bản, nhằm tập hợp ý kiến để hoàn chỉnh các nội dung đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể với người sử dụng lao động; chủ động đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể với người sử lao động bằng văn bản sau khi tập hợp xong ý kiến của người lao động đảm bảo theo quy định.

Việc thương lượng được triển khai thực hiện đảm bảo đúng thành phần, quy trình, nội dung. Sau khi thương lượng với người sử dụng lao động, Công đoàn Tổng Công ty tổ chức lấy ý kiến biểu quyết của tập thể lao động, người sử dụng lao động trong các đơn vị thành viên về các nội dung đã thỏa thuận”, đại diện Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam bày tỏ.

Thỏa ước lao động tập thể của Tổng Công ty Thép Việt Nam được ký 3 lần cho 3 giai đoạn: 2015 - 2018, 2018 - 2022, 2021 - 2024. Sau khi thỏa ước lao động tập thể cấp Tổng Công ty được ban hành các công đoàn cơ sở cập nhật, bổ sung nội dung của Thỏa ước lao động tập thể phù hợp với điều kiện của từng đơn vị; đồng thời Tổng Công ty và các đơn vị thành viên thường xuyên trao đổi, cập nhật, bổ sung nội dung liên quan đến thỏa ước lao động tập thể thông qua việc đối thoại tại nơi làm việc, sửa đổi điều lệ công ty, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định của công ty theo sự thay đổi của pháp luật hiện hành như: xây dựng thang bảng lương mới theo Nghị định số 121/2018/NĐ-CP, triển khai thực hiện nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng bữa ăn ca, phối hợp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động hàng năm của Tổng Công ty…

Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng chia sẻ một số nội dung nổi bật có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Luật, như: Về tiền lương đảm bảo mức lương thấp nhất cho người lao động chưa qua đào tạo, hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng lao động cao hơn ít nhất 10% mức lương tối thiểu vùng.

Với các chế độ bảo hiểm đối cho người lao động: Ngoài trách nhiệm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật, người lao động làm việc trong các đơn vị thuộc Công ty mẹ - Tổng Công ty được mua bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ, khuyến khích đơn vị thành viên còn lại mua thêm cho người lao động các gói bảo hiểm nhân thọ, phù hợp với điều kiện của đơn vị.

Tuy nhiên, do đặc thù Tổng Công ty Thép Việt Nam có nhiều đơn vị thành viên, chủ sử dụng lao động là người nước ngoài thuộc nhiều quốc gia khác nhau nên việc lựa chọn nội dung, nhóm nội dung để thương lượng rất quan trọng. Vì vậy, Công đoàn Tổng Công ty lựa chọn nội dung, nhóm nội dung, mức độ có lợi cho người lao động ở mức hài hòa giữa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời tuyên truyền để công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động hiểu những khó khăn vướng mắc để cùng cảm thông, chia sẻ.

Công đoàn luôn quan tâm, hỗ trợ cho người lao động

Công đoàn luôn quan tâm, hỗ trợ cho người lao động

Thời gian tới, Tổng Công ty Thép Việt Nam triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thử thách, song toàn thể đội ngũ người lao động, đoàn viên công đoàn Tổng Công ty quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; xây dựng mối quan hệ lao động ngày càng hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Trước mắt, năm 2023 sẽ triển khai đánh giá, chấm điểm thỏa ước lao động tập thể của các đơn vị thành viên theo chỉ đạo của Công đoàn Công Thương Việt Nam, đồng thời đánh giá kết quả thực hiện thỏa ước lao động cấp Tổng Công ty giai đoạn 2021 - 2024; xây dựng thỏa ước lao động tập thể giai đoạn 2024 - 2027.

Để nâng cao chất lượng, Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng kiến nghị Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-trong-to-chuc-thuong-luong-va-ky-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-cap-tong-cong-ty-284814.html