Chủ trương miễn viện phí toàn dân: Hoàn toàn khả thi nếu hoạch định bài bản
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035. Chủ trương này không chỉ đáp ứng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân mà nó được coi như là 'tuyên ngôn' mang tính cách mạng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu 'không ai bị bỏ lại phía sau'.
Giấc mơ không quá xa vời
Đầu tháng 5-2025, Văn phòng Trung ương Đảng có thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, Tổng Bí thư kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần; giao Đảng ủy Bộ Y tế xây dựng đề án cụ thể báo cáo Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất; đồng thời giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035. Đây là các chủ trương rất lớn, nhân văn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm nom sức khỏe cho người dân, là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.

Khám bệnh miễn phí là chủ trương đầy nhân văn
Về phía Bộ Y tế - ngành liên quan trực tiếp nhất tới việc thực hiện các chủ trương nêu trên - lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, đó không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc, lấy con người làm trung tâm, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí. Thực hiện được điều này sẽ là một bước tiến lớn trong công tác an sinh xã hội của đất nước.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, định hướng mà Tổng Bí thư đưa ra còn gửi đi thông điệp sâu sắc rằng “chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững”. “Khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản” - ông Trần Văn Thuấn nói thêm.
Từ góc độ người quản lý bệnh viện và trực tiếp làm chuyên môn nhiều năm, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, gần 30 năm làm bác sĩ, ông từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, nguy kịch từ vùng sâu, vùng xa. Khi họ về đến Bệnh viện Bạch Mai thì nhiều người, nhiều gia đình đã khánh kiệt. Thậm chí có những hộ vừa thoát nghèo lại tái nghèo sau một đợt chữa bệnh cho người thân. Vì vậy, khi Tổng Bí thư đưa ra chủ trương này, ông thấy rất phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ. PGS.TS Đào Xuân Cơ khẳng định: “Đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc, lấy con người làm trung tâm, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí. Thực hiện được điều này sẽ là một bước tiến lớn trong công tác an sinh xã hội của đất nước”.
Chủ trương miễn học phí, rồi đến miễn viện phí, cùng với việc mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần trong năm, đó là “tuyên ngôn” về chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta chuyển từ bị động chữa bệnh sang chủ động phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn. “Tôi tin rằng, với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và lộ trình bài bản, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương này, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân” PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định.

Toàn xã hội phải cùng vào cuộc
Về định hướng, từ 2026 - 2030, 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vaccine đầy đủ theo độ tuổi…, 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Với mục tiêu này, Bộ Y tế cho biết, ước tính 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người thì cả nước cần chi khoảng 25.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn đang có các giải pháp để từng bước giảm tỷ lệ chi trả của người dân trong tổng chi tiêu cho sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 20%, tỷ lệ đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) xuống dưới 10%.

Chính sách miễn viện phí sẽ giúp người dân xóa bỏ gánh nặng chi phí, đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu
Về kế hoạch và lộ trình thực hiện, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, từ năm 2026 đến năm 2030, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định Hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20 - 30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh, một số đối tượng có nguy cơ (theo độ tuổi, nghề nghiệp...), tăng mức hưởng BHYT lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, có lộ trình tăng dần mức hưởng đối với đối tượng đang có mức hưởng 80%. Cùng đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất nhiều giải pháp chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ việc lạm dụng, trục lợi từ việc cung cấp miễn phí dịch vụ khám chữa bệnh, gây lãng phí nguồn lực, quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh…

“Khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
Góp ý về việc này, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất rõ ràng về lộ trình, trước hết là ưu tiên cho các nhóm yếu thế như người nghèo, người có công, trẻ em, người cao tuổi… Sau đó, chúng ta sẽ tiến tới mục tiêu khám sức khỏe định kỳ và miễn viện phí cho toàn dân, có thể là vào giai đoạn 2030-2035, trong đó việc khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần có thể thực hiện từ năm 2026.

“Chủ trương miễn học phí, rồi đến miễn viện phí, cùng với việc mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần trong năm, đó là “tuyên ngôn” về chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta chuyển từ bị động chữa bệnh sang chủ động phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm. Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và lộ trình bài bản, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương này, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân”.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Để đạt được mục tiêu này, cần sự đồng bộ của các cơ quan chức năng, ngành y tế và đặc biệt là toàn xã hội phải cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành y. Trong đó, vấn đề nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt, một bài toán không hề đơn giản. Theo PGS. TS. Đào Xuân Cơ, để giải quyết bài toán này, cần có 3 nguồn chính. Đầu tiên là BHYT, phải phát triển BHYT toàn dân, toàn diện và đa dạng các hình thức bảo hiểm. Thứ hai là nguồn từ ngân sách Nhà nước, trong đó Nhà nước cần có nguồn lực tài chính để đầu tư, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cho y tế chuyên sâu. Và thứ ba là nguồn lực xã hội hóa, đây là nguồn rất quan trọng. “Nếu chúng ta làm tốt việc huy động từ cả 3 nguồn này, cùng với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại và quyết tâm của toàn xã hội, tôi tin rằng mục tiêu miễn viện phí vào năm 2030-2035 là hoàn toàn khả thi” - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tin tưởng.
Đại biểu Quốc hội nói về miễn viện phí toàn dân
Có sẵn nhiều thuận lợi, chỉ cần quyết tâm lớn
Trao đổi với báo chí bên hàng lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nêu quan điểm ủng hộ chủ trương của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm về miễn viện phí toàn dân từ giai đoạn 2030-2035, đồng thời kiến nghị một số giải pháp.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Cần cân đối các nguồn lực hợp lý
“Chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho toàn dân và tiến tới miễn viện phí toàn dân sẽ giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn, được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh. Điều này không chỉ giúp từng cá nhân phòng tránh được bệnh tật mà còn giảm thiểu tổn thất chung của toàn xã hội về gánh nặng y tế. Tuy nhiên, miễn viện phí toàn dân đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, để chủ trương này được triển khai hiệu quả, bền vững, cần sự chung tay của toàn xã hội.
Nguồn lực để miễn viện phí toàn dân vẫn phải huy động chính từ nguồn đầu tư của ngân sách vào lĩnh vực y tế. Cân đối nguồn lực để hiện thực hóa chủ trương miễn viện phí toàn dân là bài toán không hề dễ dàng bởi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chủ chốt trong đó là nguồn thu ngân sách. Do đó, giai đoạn đầu có thể cân nhắc trang trải chi phí khám chữa bệnh ở những mức độ cơ bản, sau đó nâng dần lên. Nếu Nhà nước sử dụng ngân sách để chi trả cho việc khám chữa bệnh miễn phí thì cả bệnh viện công lẫn bệnh viện tư đều phải vào cuộc, dù người dân đến bệnh viện nào cũng đều nhận được phần ngân sách Nhà nước cấp bù cho các bệnh viện đó”.
ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình): Tiến tới một Việt Nam khỏe mạnh và phát triển bền vững
“Định hướng miễn viện phí toàn dân là minh chứng cho cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Việt Nam theo đuổi. Đồng thời, thể hiện tinh thần của Nhà nước vì dân, lấy chất lượng sống của nhân dân làm trung tâm. Chỉ khi mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe một cách công bằng và hiệu quả, chúng ta mới thực sự tiến gần hơn đến một Việt Nam khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Vấn đề hiện nay là xu hướng dân số già hóa, bệnh mãn tính tăng, chi phí y tế tại Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách của đất nước ta còn hạn chế so với các quốc gia phát triển. Ngay trong lĩnh vực y tế, vấn đề quá tải ở bệnh viện tuyến trên, chất lượng y tế chưa đồng đều hay tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế ở một số nơi vẫn xảy ra… Vì thế, để hiện thực hóa chính sách miễn viện phí cần có lộ trình rõ ràng và quyết tâm lớn.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có những kinh nghiệm trong triển khai chính sách BHYT toàn dân với độ bao phủ đạt hơn 92%; đối tượng được miễn, giảm viện phí đã mở rộng hơn trong thời gian qua; cùng kinh nghiệm quản lý các chương trình y tế quy mô lớn như tiêm chủng phòng chống dịch bệnh… Đây chính là tiền đề từng bước tiến tới miễn viện phí hoàn toàn. Do đó, trước mắt nên tập trung thực hiện đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân. Đồng thời, có lộ trình chuẩn bị nguồn tài chính (ngân sách Nhà nước kết hợp xã hội hóa, viện trợ quốc tế), cũng như nghiên cứu học hỏi mô hình thành công từ các nước trên thế giới để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
ĐBQH Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang): Chúng ta có nhiều thuận lợi để triển khai
“Chính sách miễn viện phí khi được ban hành sẽ giúp người dân xóa bỏ gánh nặng chi phí, là một bước tiến có ý nghĩa lớn đảm bảo sự tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu, tạo công bằng xã hội. Có thể khẳng định, đây là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta đã có sẵn những nền tảng thuận lợi để hiện thực chủ trương này.
Đầu tiên, chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước ta từ trước đến nay luôn đặt con người là trung tâm, lấy chăm sóc sức khỏe nhân dân làm ưu tiên hàng đầu, hướng tới công bằng và phát triển bền vững.
Thứ hai, chính sách miễn viện phí được sự ủng hộ rộng rãi từ nhân dân.
Thứ ba, hệ thống mạng lưới cơ sở y tế của nước ta được phát triển rộng khắp và ngày càng phát triển.
Thứ tư, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt trên 92% dân số…
Song, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều thách thức mà nguồn lực tài chính là yếu tố quyết định, bởi miễn viện phí toàn dân đòi hỏi số tiền phải chi rất lớn. Mặt khác, chất lượng và năng lực hệ thống y tế cần phải nâng lên, nhất là y tế tuyến cơ sở, bởi khi miễn viện phí thì nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân chắc chắn sẽ tăng lên nhiều. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lạm dụng và trục lợi chính sách, kiểm soát tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế… Do vậy, để triển khai chính sách hiệu quả, cần xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể”.
Duy Tiến (Lược ghi)