Chú ý khi sơ chế hải sản nếu không muốn cụt tay, chết thảm

Người nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus khởi phát nhanh, tiến triển dữ dội, khó điều trị. 50% đến 70% bệnh nhân chết vì sốc nhiễm trùng và hơn thế nữa trong vòng 48 giờ.

Mới đây, tại Khoa Y học chăm sóc sức khỏe bệnh viện tuyến 1 thuộc Đại học Y Quảng Tây, Trung Quốc, đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus do tiếp xúc với cá biển. Lúc nhập viện, tình trạng của bệnh nhân đã rất nguy kịch.

Cụ thể, sáng hôm đó, ông cụ người Quảng Tây đang làm sạch cá biển thì bất ngờ bị thương ở tay trái. Đến chiều, lòng bàn tay trái của ông cụ bắt đầu đau nhức, sưng tấy đỏ, cử động bị hạn chế. Đến tối, các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, ông lên cơn sốt cao, sưng đau lan xuống cánh tay trái, căng mô cục bộ.

Gia đình nhanh chóng đưa cụ đến bệnh viện nhưng tình trạng đã xấu đi nhiều. Lúc này, ông cụ đã có dấu hiệu sốc và ngay lập tức được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt. Tiếp đó, ông cụ được xác nhân viêm cân mạc hoại tử tay trái, sốc nhiễm trùng và hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan.

Cụ ông thoát cửa tử sau khi cắt cụt tay trái vì nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus.

Ngay sau đó, bác sĩ hoàn thành tất cả các khâu kiểm tra trước khi phẫu thuật. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định sẽ phải cắt cụt tay trái để cứu tính mạng ông cụ.

Cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng hơn một giờ đồng hồ. Sau phẫu thuật, tình trạng của cụ ông đã dần ổn định lại, báo cáo nuôi cấy dịch tiết của mẫu vật cũng xác nhận rằng cụ ông bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus.

Qua trường hợp này, các bác sĩ nhấn mạnh, Vibrio vulnificus được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", đây là một loại vi khuẩn sống ở đại dương, khó phát triển ở nhiệt độ nước dưới 17℃ hoặc trong nước biển ô nhiễm. Nó thường ký sinh các động vật có vỏ (như sò, hến ...) và cũng ký sinh ở những loài cá.

Nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Vibrio vulnificus gây ra là một bệnh cấp tính cực kỳ nguy hiểm. Người mắc bệnh khởi phát nhanh, tiến triển dữ dội, khó điều trị. 50% đến 70% bệnh nhân chết vì sốc nhiễm trùng và hơn thế nữa trong vòng 48 giờ.

Cực kỳ chú ý khi sơ chế hải sản.

Đặc biệt, vì vi khuẩn Vibrio vulnificus có khả năng gây chết người cao nên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Bác sĩ đề xuất rằng mọi người nên tránh ăn hải sản sống vào mùa hè, không nên để vùng da bị tổn thương hoặc vết thương tiếp xúc với nước biển và các loại hải sản. Đeo găng tay khi sơ chế, chế biến hải sản.

Lưu ý, bệnh nhân bị huyết áp thấp, sốt và các triệu chứng khác do nhiễm trùng tiếp xúc với nước biển, hải sản, động vật có vỏ hoặc vây đâm vào tay chân, cần được chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện lớn càng sớm càng tốt. Khi bị hóc xương cá, bị sò đâm phải rửa vết thương bằng nước sạch và sát trùng ngay, nếu vết thương có dấu hiệu bất thường cần đi khám nhanh nhất có thể.

Mời quý độc giả xem video: Ẩn họa nhiễm ký sinh trùng. Nguồn: Nhân Dân.

Kiều Dụ (Theo SH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/chu-y-khi-so-che-hai-san-neu-khong-muon-cut-tay-chet-tham-1588498.html