Chư Yang Sin - 'Cổng vào trời'
Đưa tay chỉ vào dãy núi cao xanh sừng sững như bức tường thành phía bên kia hồ Lăk, cô Buôn Dap H'Loan, trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói với chúng tôi: 'Đó là dãy núi Chư Yang Sin đấy ạ'. Tôi hỏi thêm về ý nghĩa của tên gọi và được cô H'Loan giải thích: 'Trong tiếng Êđê thì Chư Yang Sin có nghĩa là 'Cổng vào Trời'.
Hồ Lắk được bao bọc chung quanh bởi nhiều đồi núi, đặc biệt là dãy núi Chư Yang Sin, nhờ đó hồ Lắk rất hiếm khi bị khô cạn, kể cả về mùa khô Tây Nguyên”.
Ngước mắt nhìn qua mặt hồ, tôi có chút sững sờ bởi dãy núi Chư Yang Sin tưởng như chỉ với tay là tới. Sau phút sững sờ tôi quay lại nói nhận xét của mình với cô H’Loan: “Tôi có cảm tưởng mặt hồ Lắk rộng lớn, phẳng lặng hệt như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu hình bóng của dãy Chư Yang Sin, mang đến cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nhưng bình yên và thơ mộng”. Dĩ nhiên là cô H’Loan gật đầu đồng ý: “Nếu như có thời gian các anh nên khám phá dãy núi Chư Yang Sin. Có nhiều thú vị lắm”.
Chư Yang Sin hùng vĩ
Cô H’Loan sau khi giải thích sơ qua xong thì quay sang ríu rít hỏi chuyện Hà Nội. Mà cô gái MNông này cũng tinh tế còn hơn cả tôi đã nghĩ, cô H’Loan biết khá nhiều những con phố Hà thành, cô HLoan còn thạo cả những địa điểm ẩm thực Hà Nội nữa. Nghe cô H’Loan sôi nổi nói chuyện Hà Nội tôi cứ ngỡ ngàng, thì ra H’Loan đã học Đại học Văn hóa ngoài Hà Nội những mấy năm trời. Thảo nào gặp người Thủ đô là cô vui như gặp người thân xa lâu.

Dãy núi Chư Yang Sin nhìn từ hồ Lắk.
Tôi sau hồi nói chuyện Hà Nội thì nói với H’Loan: “Các anh đến đây nghe em kể chuyện Chư Yang Sin, dù sao chuyện này em nắm chắc chứ các anh thì chịu thua luôn”. H’Loan cười, cô vui vẻ ra mặt. Và theo như H’Loan thì dãy núi Chư Yang Sin có đỉnh núi cao 2.442m so với mực nước biển. Hơn nữa ở trên dãy núi này là những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng.
Với diện tích vào khoảng 59.000ha, tính cả vùng đệm thì dãy núi Chư Yang Sin có diện tích lên đến hơn 183.000ha. Cô H’Loan bảo: “Chư Yang Sin từ lâu đã trở thành mái nhà che chở và là nguồn sống đối với đồng bào các dân tộc bản địa, chủ yếu là người MNông và người Êđê. Với người MNông chúng em chẳng hạn, người MNông đã từng gọi dân tộc mình là “Phii Breé”, nếu dịch sát nghĩa theo tiếng MNông nghĩa là “Những con người của rừng” đấy các anh”.
Cô H’Loan còn giới thiệu thêm: “Vườn quốc gia Chư Yang Sin trải dài và nằm tại địa phận thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và huyện Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk. Tôi nói theo: “Như vậy huyện Lắk mình được “thừa hưởng” lợi ích do dãy núi Chư Yang Sin đem lại?”. H’Loan lại gật đầu, cô bảo: “Hiện nay, Chư Yang Sin đang là một địa điểm du lịch sinh thái được nhiều người yêu thích bởi tập trung nhiều sông suối lớn nhỏ, có nhiều cảnh quan ấn tượng”.
Được biết rằng: Người MNông ở huyện Lắk nói riêng quanh năm sống chân dãy núi Chư Yang Sin nên cái ăn cái mặc dường như đều lấy từ núi Chư Yang Sin. Không có rừng cây trên núi thì chẳng có nhà để ở, chẳng có đất để làm rẫy, cũng không có cái lá để làm men rượu. Ngày xưa ông bà đã sống như thế, ngày nay con cháu cũng vậy thôi.
Có thể nói, dãy núi Chư Yang Sin là kho báu tài nguyên của Tây Nguyên nói chung, của tỉnh Đắk Lắk nói riềng. Dĩ nhiên là kho báu của bà con MNông, bà con Êđê. Theo các nhà lâm sinh thì sơn hệ này rất điển hình cho kiểu hình rừng phía cực nam dãy Trường Sơn. Đa dạng nhất là thảm thực vật phân bố theo từng độ cao khác nhau và giữ được vẻ hoang sơ hiếm có ở Việt Nam.
Cô H’Loan hào hứng cho hay: “Với sự giàu có tài nguyên rừng, dãy núi Chư Yang Sin như mái nhà xanh giữ nguồn nước quanh năm cho vùng đất phía nam cao nguyên”. Theo đó, đường phân thủy ở dãy núi này đã chia nước sang hai phía tạo thành hai dòng sông khác nhau. Phía hồ Lắk là nơi đầu nguồn dòng Krông Ana quanh năm đầy ắp nước, chảy miên man qua các thung lũng, qua các cánh đồng lúa. Phía giáp Lâm Đồng, với đặc trưng địa hình đồi núi nên những thác nước đầu nguồn đã hợp lưu tạo thành dòng Krông Nô lắm ghềnh thác, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Thêm nữa ở nguồn nước từ thượng nguồn dãy núi Chư Yang Sin này đã tạo nên thác Dray Sap và thác Dray Nur hùng vĩ. Cô H’Loan bảo: “Hợp lưu của hai dòng sông Krông Ana và sông Krông Nô hình thành nên sông Sêrêpốk nổi tiếng”. Nghe nhắc đến sông Sêrêpốk, tôi thích lắm, nhớ đã có lần tôi đến Bản Đôn, huyện Buôn Đôn, được đi cầu treo bắc ngang dòng sông ầm ào thác lũ này. Con sông của người Tây Nguyên chảy ngược sang phía tây đến nước bạn Campuchia rồi hòa vào dòng Mê Kông hùng tráng.
Cô H’Loan cho hay thêm: “Nếu nhìn từ góc độ địa văn hóa thì sông Sêrêpốk và dãy núi Chư Yang Sin như một cặp đôi âm - dương tương hợp, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất phía nam cao nguyên.
Chư Yang Sin huyền thoại và văn hóa
Cô H’Loan còn bảo: “Nếu có điều kiện, các anh nên khám phá Chư Yang Sin. Cũng nên ngủ đêm trên núi”. Tôi ngạc nhiên: “Ngủ đêm trên núi? Sao lại cũng nên ngủ lại?”. Cô H’Loan mỉm cười tinh tế.
Theo đó thì, đêm ngủ lại trên dãy núi Chư Yang Sin, giữa đại ngàn rừng núi mênh mông vô cùng tĩnh mịch (có phần sờ sợ nữa?). Chỉ còn nghe tiếng gió rừng thổi rào rào, chỉ còn nghe tiếng nước suối chảy qua khe đá rì rầm như khúc hát ru, nghe rõ cả tiếng giọt sương rơi xuống mái tăng lán trại lộp bộp. Cô H’Loan mãi sau mới nói thêm: “Thỉnh thoảng trong đêm còn nghe văng vẳng gần xa tiếng muông thú đi ăn đêm hay tìm kiếm bạn tình. Cũng hãi nhưng mà cũng thích thú lắm. Sống giữa thiên nhiên hoang dã sẽ cho mình những cảm xúc không thể nào quên các anh ạ”.

Trên dãy núi Chư Yang Sin.
Cái nhà cô MNông này cũng khéo đáo để, dân Đại học Văn hóa có khác, rất biết khơi gợi trí tò mò và cũng rất biết giới thiệu về quê hương mình. Ví dụ như: Và khi trời hưng hửng sáng, mọi người còn muốn ngủ nướng trong túi ngủ, võng dù, thì đã nghe gần nghe xa, kiểu như “chuông báo thức”, đấy là âm thanh của núi rừng, âm thanh của Chư Yang Sin được nghe tiếng hót lảnh lót của đủ các loài chim rừng. Những âm thanh đại ngàn đang hòa tấu cùng với tiếng dòng suối rì rầm.
Khi đó sẽ thấy rừng núi như mênh mông thêm ra, thấy dải mây mờ quấn quýt đại ngàn, và quấn quýt cả những lán trại. Tưởng như mây mờ ôm xiết những người vừa chui ra khỏi võng khi còn đang ngái ngủ. Mây quấn quýt vây quanh người kiểu nhờ nhờ nửa như mưa bụi, nửa như sương khói. Mà lạ thay chẳng có hạt nào vương vào tóc, vào áo. Giữa buổi ban trưa mà đất trời cứ âm u sầm sập như nhập nhoạng tối.
Nói rồi cô H’Loan kể cho chúng tôi nghe câu chuyện huyền thoại về núi Đá Voi Mẹ, núi Đá Voi Cha, ở xã Yang Tao, bên kia hồ Lắk. Tương truyền, hòn đá Cha ngày xưa chỉ mềm nhũn và trồi lên khỏi mặt đất với hình thù khác lạ. Hiếu kỳ, người dân trong vùng cứ vậy kéo nhau đến xem, trong đó có hai cô con gái xinh đẹp của một gia đình giàu có trong làng. Trong lúc hai chị em trèo lên trên hòn đá chơi đùa thì bất ngờ hòn đá dần dần co cứng lại. Cô em nhanh chóng nhảy xuống khỏi hòn đá, còn cô chị bị lún vào hố sâu. Rồi cô chị dần dần bị hòn đá nuốt chửng vào bên trong. Người dân làng vô cùng lo lắng nhưng sau đó nhiều người được báo mộng rằng cô gái đẹp đang được sống hạnh phúc với thần đá mãi mãi.
Thế là từ đó các cặp trai gái yêu nhau khi cùng nhau đến đây thường ngồi tựa vai vào nhau trên lưng đá, họ ngồi đấy nói lời hò hẹn, trao lời thề nguyền, cầu mong thần đá sẽ che chở cho tình yêu của họ. Thấy vẻ mặt của tôi hơi ngần ngừ, cô H’Loan nói tiếp: “Còn những người bị thất tình hay chưa có người yêu thì cũng đến ngồi trên lưng đá và thủ thỉ kể cho thần đá nghe về câu chuyện trắc trở của mình và tin rằng thần đá sẽ thấu hiểu và giúp họ tìm được “một nửa” của mình”.
Tôi vội hỏi thêm: “Có đá voi cha thì chắc phải có đá voi mẹ chứ?”. H’Loan gật đầu: “Có chứ ạ. Có Cha có Mẹ mới thành tình yêu chứ ạ”. Nói rồi cô cho biết: “Hòn đá voi mẹ nằm dưới chân núi Chư Yang Sin tại xã Yang Reh (huyện Krông Bông). Còn đá voi cha nằm cách đá voi mẹ chừng 5km trên một cánh đồng lúa mênh mông tại xã Yang Tao (huyện Lắk). Cô H’Loan bảo: “Đá voi cha qua thời gian cứ dịch dần về phía Đá voi mẹ. Kiểu con trai đi tìm con gái ấy”.
Không gian văn hóa Tây Nguyên chính là không gian văn hóa rừng. Và như thế, dãy Chư Yang Sin ở phía nam Tây Nguyên sẽ mãi là một phần không gian văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn, theo cách mà người ta thường nói về bếp lửa truyền đời trong mỗi ngôi nhà Tây Nguyên.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chu-yang-sin-cong-vao-troi-i769256/